Print

Người già Trung Quốc gây sốt trên mạng xã hội

Thứ Tư, 17 /04/2024 11:13

Khi Trung Quốc vật lộn với tình trạng dân số già nhanh, cuộc sống tại các viện dưỡng lão ở nước này đã được thấy rõ hơn qua hàng nghìn tài khoản đăng video ngắn trên các mạng xã hội.

Nhiều thập niên sau khi về hưu, cựu giáo viên hóa học Yu Youfang, 90 tuổi, vẫn tiếp tục công việc của mình trong một lớp học được thiết lập tại căng tin của một viện dưỡng lão ở miền bắc Trung Quốc. Ở độ tuổi trung bình 75, các học sinh cao niên vẫn hăng say thực hiện những thí nghiệm gây phản ứng nổ hoặc giải phóng "khí độc".

Tất cả những cảnh như vậy đều nằm trong kịch bản, bởi lớp học của cụ Yu là một phần của loạt phim ngắn đang gây sốt trên mạng xã hội Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc). Với tựa đề "Phim hài tại viện dưỡng lão", loạt phim gồm hơn 200 video đến nay giới thiệu cuộc sống của người già tại Viện dưỡng lão Jingya ở thành phố Thiên Tân, thu hút hàng triệu người theo dõi.

Theo Chen Yuan- chủ sở hữu của Jingya, loạt video này ban đầu chỉ đơn thuần là một hoạt động vui vẻ dành cho người già và nhằm giảm bớt sự kỳ thị của xã hội đối với các cơ sở dưỡng lão.

"Việc gửi người già vào viện dưỡng lão từng bị coi là thiếu tôn trọng. Nhưng tôi muốn thay đổi nhận thức đó. Viện dưỡng lão không đáng sợ như mọi người nghĩ. Ngày nay, người già có thể sống đàng hoàng và hạnh phúc tại đó", ông nói.

Trên Douyin, Jingya chỉ là một trong hơn 1.000 tài khoản tương tự kể về cuộc sống ở các viện dưỡng lão, mong muốn định hình lại nhận thức về chăm sóc người cao tuổi khi Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng dân số già hóa nhanh. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 9,4% vào năm 2012 lên 14,9% vào năm 2022. 

Theo Cục thống kê Trung Quốc, số viện dưỡng lão ở nước này đã tăng đáng kể, từ con số 30.000 năm 2018 lên 41.000 vào năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 3% người cao tuổi chọn cư trú tại những cơ sở như vậy, một phần do sự kỳ thị ăn sâu trong suy nghĩ.

Ông chủ Chen tin rằng các nền tảng video ngắn như Douyin rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa viện dưỡng lão và thế giới bên ngoài. Với mức phí hàng tháng dao động 3.290-6.000 nhân dân tệ (khoảng 11-21 triệu đồng), Jingya hoạt động với sứ mệnh vượt ra ngoài lợi nhuận thu được.

Mặc dù thu hút hàng triệu người xem với những nội dung đa dạng, loạt phim về lớp hóa học của cụ Yu vẫn là yếu tố quan trọng nhất khiến họ trở nên nổi tiếng trên mạng. Pha trộn sự hài hước với các chủ đề nghiêm túc hơn như sự sống và cái chết, những video này đặc biệt gây được tiếng vang với khán giả trẻ Trung Quốc, truyền cảm hứng cho họ với cách nhìn nhẹ nhàng về cuộc sống tuổi xế chiều.    

"Ít nhất thế giới bên ngoài có thể thấy viện dưỡng lão thực sự như thế nào", ông Chen nói và nhấn mạnh thêm, ngày càng có nhiều viện dưỡng lão được truyền cảm hứng để quay phim và chia sẻ thực tế về cơ sở vật chất cũng như cư dân của họ.

Dù số lượt xem tăng đột biến trên nền tảng mạng xã hội, ông Chen cho biết Jingya không kiếm tiền từ nền tảng này thông qua quảng cáo hoặc bán hàng qua kênh phát trực tiếp, điều mà những người có sức ảnh hưởng trên Douyin thường làm.

"Chúng tôi không biết cách điều hành một doanh nghiệp như vậy và chúng tôi cũng không muốn kiếm tiền bằng cách bóc lột người cao tuổi", Chen giải thích và khẳng định chỉ làm video tập trung vào cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi.

"Điều hành một viện dưỡng lão không hề dễ dàng. Bạn phải giải quyết mọi vấn đề nhỏ nhặt và đối mặt với tình huống sinh tử… Người già không sợ chết nhưng họ sợ bị lãng quên và bỏ rơi", ông bày tỏ và cho biết đã chứng kiến sự ra đi của hơn chục thành viên tại Jingya trong nhiều năm qua.

Ngọc Tuấn