Xu hướng người trẻ Nhật Bản ra nước ngoài tìm việc
Nhiều người trẻ Nhật Bản cho rằng văn hóa công sở của nước này quá lỗi thời và họ muốn đến các nước khác để cân bằng tốt hơn giữa cuộc sống và công việc.
Jun Shigeno đã nhận được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản. Sau 4 năm học tập, thanh niên này muốn kiếm tiền thật nhanh và luôn hào hứng với các cơ hội phát triển kỹ năng mới. Nhưng đi làm được 2 năm, anh thường xuyên thấy mệt mỏi, hiếm khi có thời gian gặp gỡ bạn bè hay gia đình, mà tiền đổ vào tài khoản ngân hàng thì chỉ nhỉnh hơn một chút so với trước kia.
Khi phỏng vấn tuyển dụng, công ty nói với Shigeno rằng họ muốn nhân viên được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng trên thực tế, điều này không kéo dài lâu. Anh phải làm thêm tối thiểu 60 giờ mỗi tháng, thậm chí là 80 giờ, nhưng chỉ được trả lương 40 giờ làm thêm đầu tiên.
"Thời gian còn lại được phân loại là dịch vụ ngoài giờ", anh cho biết. "Mức lương không cao hơn ở công ty Mỹ hay châu Âu nhưng trong tuần tôi quá bận, không có thời gian làm những việc mình muốn. Cuối tuần thì phải học thêm nghiệp vụ", Shigeno chia sẻ với với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Và khi quan sát các đồng nghiệp đã gia nhập công ty trước anh vài năm, chàng trai 24 tuổi bắt đầu cảm thấy những yêu cầu mà công ty đặt ra cho mình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Đây là lý do anh bắt đầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, cụ thể là nhắm tới các công việc ở Đức và Canada.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, những nhân viên có trình độ và năng lực lẽ ra phải được các công ty nội địa ưu tiên giữ chân. Nhưng đối với nhiều người trẻ, văn hóa doanh nghiệp lỗi thời ở Nhật đang đẩy họ đến "những đồng cỏ xanh hơn".
Tomoki Yoshihara là một trong số những thanh niên Nhật được cấp visa làm việc ngắn hạn ở Australia trong năm 2023. Anh làm tại một nhà máy chế biến thịt và kiếm được thu nhập nhiều gấp ba so với thời còn ở Nhật Bản.
"Tôi mổ thịt cừu gần 50 tiếng một tuần ở nhà máy vùng nông thôn phía nam Sydney này và kiếm được khoảng 3.300 USD mỗi tháng, gấp ba lần so với thu nhập hồi còn là thành viên quân đội Nhật Bản", nam thanh niên 25 tuổi chia sẻ. "Thu nhập ở đây tốt hơn rất nhiều. Nếu muốn tiết kiệm tiền, Australia chính là điểm đến", anh nói.
Không chỉ Australia, các chương trình xin visa ở nhiều nước như Anh, Canada và New Zealand cũng đã được nối lại sau đại dịch COVID-19 và xu hướng ra nước ngoài tìm việc càng đẩy Nhật Bản vào tình cảnh thiếu lao động.
"Giới trẻ đang đặt câu hỏi về triển vọng kinh tế. Điều kiện sống đang trở nên khó khăn hơn những gì chỉ số lạm phát cho thấy", Yuya Kikkawa, chuyên gia kinh tế từ viện nghiên cứu Meiji Yasuda, nói.
Martin Schulz, Phụ trách nghiên cứu chính sách kinh tế của Đơn vị Phân tích Thị trường Toàn cầu của công ty Fujitsu, cho rằng việc ra nước ngoài làm việc thực sự có thể mang lại lợi ích cho giới trẻ Nhật Bản.
"Khi thế giới xích lại gần nhau hơn, chúng ta cần những người trẻ ra nước ngoài, tiếp thu những kỹ năng và quan điểm mới, khám phá cách mọi thứ được thực hiện khác biệt như thế nào", ông nói.
Alyssa Hirata đã làm việc 18 tháng tại công ty Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp nhưng cô quyết định nghỉ việc để tham gia một khóa học tiếp viên hàng không với hy vọng tìm được việc làm ở nước ngoài.
"Tại công ty trước đây của tôi, đối với mọi người xung quanh, công việc là cả cuộc đời của họ. Nhưng tôi đã phá vỡ mọi quy tắc, chẳng hạn như về nhà đúng giờ mỗi ngày…", cô gái 23 tuổi chia sẻ: "Với tôi, Nhật Bản quá bảo thủ. Tôi muốn có thể tự quyết định tương lai của mình và cách tốt nhất để tôi thực hiện điều đó là làm việc ở nước ngoài".
Ngọc Tuấn