Print

WHO: Báo động tình trạng sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ

Thứ Năm, 25 /04/2024 14:13

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về tình trạng sử dụng rượu và thuốc lá điện tử ở giới trẻ, dựa trên dữ liệu khảo sát từ 280.000 thanh thiếu niên độ tuổi 11, 13, 15 ở châu Âu, Trung Á và Canada.

Báo cáo của WHO cho thấy, 57% thanh niên 15 tuổi đã uống rượu ít nhất một lần; đối với nữ, con số này là 59%, nam là 56%. Như vậy, việc uống rượu nói chung đã giảm ở thanh thiếu niên nam, trong khi tăng lên ở thanh thiếu niên nữ. Đề cập đến việc sử dụng rượu ở thời điểm hiện tại (được định nghĩa là uống rượu ít nhất một lần trong 30 ngày trở lại thời điểm được khảo sát), 8% thanh thiếu niên nam cho biết có uống, tỷ lệ ở thanh thiếu niên nữ là 5%.

Nhưng ở nhóm tuổi 15, 38% thanh thiếu niên trả lời đã uống rượu ít nhất một lần trong 30 ngày qua, trong khi chỉ có 36% thanh thiếu niên nam trả lời như vậy. Ngoài ra, 9% thanh thiếu niên 3 nhóm tuổi cho biết, đã từng "uống rượu đến say bất tỉnh" và “đã say cấp độ trên ít nhất 2 lần”. Tỷ lệ này tăng từ 5% ở thanh thiếu niên 13 tuổi lên 20% ở thanh thiếu niên 15 tuổi, "ghi nhận xu hướng lạm dụng rượu ngày càng gia tăng trong giới trẻ".

Báo cáo của WHO còn nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử- thường được gọi là vape- trong thanh thiếu niên ngày càng tăng. Khoảng 32% thanh thiếu niên 15 tuổi cho biết, đã sử dụng thuốc lá điện tử và 20% cho biết “đã sử dụng 1 lần” trong 30 ngày qua.

Ông Hans Kluge- Giám đốc WHO khu vực châu Âu, phân tích: “Việc sử dụng rộng rãi các chất kích thích, có hại ở trẻ em tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Âu tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”. Đại diện WHO cũng kêu gọi, chính phủ các quốc gia tăng thuế; hạn chế quảng cáo sản phẩm và tiến đến ra lệnh cấm các chất tạo hương liệu.

Cuộc khảo sát Hành vi sức khỏe ở thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học được WHO tiến hành 4 năm một lần, đối tượng là thanh thiếu niên các nhóm tuổi 11, 13 và 15, đem lại “bức tranh toàn cảnh” về tình trạng sử dụng rượu, thuốc lá điện tử và các chất kích thích khác.

Tùng Anh (Theo WHO)