Print

Điện Biên- Viên ngọc sáng nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ Hai, 06 /05/2024 14:52

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ tại bản Na Púng (TP.Điện Biên Phủ), ông Nông Văn Công (dân tộc Nùng) tự hào kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ. Vốn là chiến sĩ Trung đoàn 335- Đoàn Thảo Nguyên, thuộc Quân khu Tây Bắc (tiền thân là Sư đoàn 335, Lữ đoàn 335), tuổi trẻ của chàng thanh niên dân tộc Nùng gắn liền với những trận chiến khốc liệt và những vết thương không thể chữa lành trên cơ thể.

Sau khi rời quân ngũ, ông Công luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “tàn nhưng không phế”. Giờ đây, bên cạnh lương hưu hằng tháng, ông Công còn có tấm thẻ BHYT để đi KCB với quyền lợi được hưởng 100%, giúp chữa lành, xoa dịu những nỗi đau chiến tranh để lại.

Tròn 7 thập kỷ kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương”, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã đồng lòng, chung sức cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên xây dựng lại mảnh đất mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương. Truyền thống cách mạng hào hùng của thời đại Hồ Chính Minh tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển ổn định, bền vững.

Sự đồng lòng và quyết tâm cao đã đưa Điện Biên trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong bối cảnh nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, nhưng tỉnh đã đạt và vượt 10/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14.

Trong đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, GRDP vượt 2,33 điểm so với mục tiêu; thu ngân sách và huy động vốn đầu tư xã hội tăng cao so với nửa đầu nhiệm kỳ trước, riêng thu ngân sách vượt 22,4% mục tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, CCHC chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ.

Cùng với những tiến bộ về kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Hệ thống y tế được củng cố, thực hiện tốt công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ cơ sở. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm nhanh, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Năm 2023, toàn tỉnh có 35.922 hộ nghèo, giảm 4,6% so với năm 2022 (giảm xuống còn 25,68%). Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025)…

Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã tạo ra những thành tựu đáng kể. Không chỉ là trung tâm kinh tế phát triển, Điện Biên còn chú trọng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, từ việc xây dựng hạ tầng đến cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục.

Sự phát triển của Điện Biên không chỉ là niềm tự hào của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực của cả đất nước trong việc xây dựng và phát triển các vùng. Vì vậy, Điện Biên hiện nay không chỉ là điểm sáng trên bản đồ kinh tế, mà còn là điểm sáng về mặt xã hội và chính trị của đất nước.

Những năm qua, Điện Biên đang vững bước trên hành trình vươn mình thành một địa phương căng tràn sức sống, với đôi cánh là tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và an sinh xã hội được đảm bảo. Trên con đường phát triển đầy thách thức, các thế hệ CBVC của BHXH tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT tới mọi tầng lớp nhân dân, làm cho cuộc sống trở nên đáng sống hơn, phồn thịnh hơn.

Thành lập ngày 2/8/1995, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Điện Biên đã không ngừng phấn đấu vươn lên và đạt được những bước tiến vững chắc trong tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, chế độ BHXH, BHYT, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Trong suốt quá trình ấy, điều các thế hệ CBVC BHXH tỉnh Điện Biên luôn gìn giữ và phát huy chính là giá trị nhân văn của chính sách và tình người BHXH. Để rồi, sau 30 năm, những giá trị ấy đã tạo nên một bản sắc mang tên “BHXH xứ sở hoa ban”.

Theo ông Trần Minh Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh Điện Biên, thời gian qua, BHXH tỉnh luôn hoàn thành chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Nếu như năm 1995, thu BHXH, BHYT trên địa bàn là 5,1 tỷ đồng thì năm 2023, BHXH tỉnh đã thu 1.439,9 tỷ đồng; tăng 282 lần sau gần 30 năm. Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, được chú trọng nhằm duy trì, ổn định quỹ BHXH, BHYT. 

Trên mọi nẻo đường, từ phố thị đến bản làng, núi rừng đều ghi dấu những bước chân của người cán bộ, nhân viên BHXH. Mang trên mình tình yêu với chính sách an sinh xã hội, những màu áo xanh BHXH tỉnh Điện Biên đã đến với khắp các bản làng, ngõ xóm để lan tỏa, nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Năm 1995, toàn tỉnh có 16.130 người tham gia BHXH thì đến năm 2023, số người tham gia BHXH toàn tỉnh là 58.589 người. Như vậy, sau gần 3 thập kỷ, số đối tượng tham gia BHXH đã tăng 3,63 lần. Hiện nay, BHXH tỉnh đang quản lý 14.987 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Tính đến tháng 3/2024, BHXH tỉnh đã giải quyết đúng đủ, kịp thời cho hơn 10 nghìn người chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng; xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho hơn 167 nghìn lượt người với tổng số tiền hơn 622 tỷ đồng.

Đối với công tác KCB BHYT, ngay từ khi chuyển giao về ngành (năm 2003) quyền lợi KCB của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng, hàng loạt các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT chi trả, giảm khó khăn về tài chính cho đối tượng tham gia, nhất là với đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi. Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT chiếm 96% dân số.

Trong 20 năm (từ 2003 đến hết tháng 3/2024), BHXH tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi cho gần 20 triệu lượt người. Số lượt người KCB BHYT tăng nhanh, năm 2003 có 417.534 lượt người KCB, thì năm 2023 có 752.128 lượt người. Tổng chi từ năm 2003 đến hết tháng 3/2024 là 4.498.985 triệu đồng cho công tác KCB BHYT. Năm 2003 chi 12.721 triệu đồng, năm 2023 chi 510.549 triệu đồng. Như vậy, sau 20 năm số chi BHYT tăng khoảng 40 lần so với năm 2003.

Để tạo thuận lợi cho người dân, BHXH tỉnh Điện Biên còn tập trung cải cách TTHC, thực hiện giao dịch điện tử nhằm giảm phiền hà, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT ngày càng được chú trọng, giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Nhìn vào những kết quả BHXH tỉnh Điện Biên đạt được cho thấy tinh thần mà các thế hệ CBVC BHXH hướng tới, đó là “Đoàn kết, sẻ chia, mình vì mọi người, lấy công việc chung làm trọng”. Qua đó, đưa Ðiện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới và phát triển. Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế sẵn có để cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vững tin vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp hơn.

Thực hiện và trình bày: Hà Hùng