Print

Nỗi buồn của người khuyết tật Hy Lạp

Thứ Tư, 08 /05/2024 16:26

Phần lớn người khuyết tật Hy Lạp phải đối mặt với nhiều thách thức do đói nghèo và chưa được tiếp cận đầy đủ với cơ sở vật chất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 1,3 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới. Tại Hy Lạp, người khuyết tật được hưởng khá nhiều ưu đãi từ hệ thống phúc lợi xã hội, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỗ ở và các chương trình giúp họ hòa nhập vào cộng đồng. Tuy nhiên, người khuyết tật Hy Lạp cũng giống như đa phần người khuyết tật trên thế giới, đó là phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói cao.

Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) thực hiện vào năm 2021 tại Hy Lạp cho thấy, trẻ em khuyết tật về thể chất không có đủ thiết bị hỗ trợ khi đi học. Hệ thống giáo dục thiếu nhân lực để giúp đỡ trẻ em khuyết tật cả về thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dẫn việc phải sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân với chi phí cao hơn, ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình nghèo.

Người khuyết tật Hy Lạp cũng gặp nhiều thiệt thòi khi tham gia thị trường lao động. Cụ thể, bị hạn chế khi di chuyển đến các tòa nhà văn phòng; phương tiện giao thông eo hẹp và các khu vực công chưa trang bị đầy đủ thiết bị, đường đi hỗ trợ phù hợp. Thậm chí, một số Tập đoàn, công ty loại trừ người khuyết tật khỏi danh sách ứng viên tuyển dụng. Tất cả những điều này khiến người khuyết tật dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và nghèo đói. Theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về Quyền bình đẳng của người khuyết tật năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật đã tăng từ 8,9% vào năm 2002 lên 31,1% vào năm 2018.

Chính phủ Hy Lạp đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề khuyết tật và nghèo đói ở quốc gia này. Năm 2021, Chính phủ triển khai Chương trình Hỗ trợ Trẻ em với sự hợp tác của UNICEF, nhằm cung cấp cho trẻ em khuyết tật các dịch vụ xã hội có chất lượng. Save the Children, một mạng lưới các tổ chức từ thiện khác nhau, cũng cung cấp một số viện trợ cho người khuyết tật về trí tuệ bằng cách kết nối với hơn 2.000 hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng này. Dự án Upraise Disability giúp đỡ người khuyết tật thông qua các chương trình, khóa học trực tuyến, bao gồm liệu pháp trị liệu tâm lý, các kỹ năng mềm, khóa học ngắn hạn… trong và sau thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tùng Anh (Theo UD)