Nhu cầu tư vấn tâm lý gia tăng ở Trung Quốc
Trung Quốc đang chứng kiến các dịch vụ sức khỏe tâm thần ngày càng phát triển nhưng không giống như nhiều lĩnh vực khác, xu hướng này kéo theo những hệ lụy đáng lo ngại.
Huang Jing là một chuyên gia tâm lý, và cô đã thành lập công ty đầu tiên mang tên Better Family ở Thượng Hải vào tháng 2/2022 trước khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được thực hiện. Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 6, hoạt động kinh doanh của công ty dần đi vào ổn định, và chỉ 6 tháng sau, Huang mở thêm 2 văn phòng nữa tại thành phố. Giờ đây, nữ cố vấn còn mở rộng kinh doanh tại Hàng Châu, điều hành ba văn phòng tại trung tâm công nghệ đồng bằng sông Dương Tử.
Sự gia tăng nhanh chóng các cơ sở tư vấn tâm lý như của Huang tuy có thể đem lại lợi nhuận cao nhưng phản ánh thực trạng đáng lo ngại trong dân chúng về tâm lý như lo âu và trầm cảm.
"Mọi người hay thắc mắc tại sao nền kinh tế Trung Quốc lại đình trệ. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi lớn của thị trường bất động sản, sự vỡ mộng của giới trẻ và đặc biệt là hàng núi áp lực từ các bậc cha mẹ: kiếm tiền, tiết kiệm tiền, các tiêu chuẩn giáo dục cứng nhắc và những quan điểm mờ mịt về tương lai của con cái họ", cô Huang nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 54 triệu người ở Trung Quốc bị trầm cảm và 41 triệu người mắc chứng rối loạn lo âu. Trong những năm gần đây, các cơ quan y tế cũng đã nỗ lực giải quyết thực trạng này. Tuy nhiên, số người tìm đến các liệu pháp tâm lý ngày càng đông.
"Tôi học tâm lý học vào năm 2001 khi thị trường này còn rất nhỏ", Huang chia sẻ và cho biết trung tâm của cô hiện đang tính phí khách hàng ít nhất 600 nhân dân tệ/giờ. "Tư vấn tâm lý rất tốn kém nên những người làm công ăn lương bình thường khó có thể chi trả được. Chỉ người giàu mới có thể sử dụng dịch vụ này".
Theo nữ chuyên gia, giải quyết căng thẳng tâm lý là nhu cầu trước mắt của khách hàng, những người chủ yếu có gia đình gặp khó khăn trong hôn nhân và các vấn đề trong việc nuôi dưỡng giáo dục con cái.
Giới chuyên gia dự đoán, trong 2 năm tới, tình trạng lo âu ở các gia đình Trung Quốc có thể lên tới đỉnh điểm, với sự bi quan chưa từng thấy về sự nghiệp và thu nhập kinh tế.
Theo báo cáo về sức khỏe tâm thần dựa trên kết quả khảo sát 40.000 người, lo lắng, cảm giác vô định và trầm cảm là những vấn đề tâm lý được báo cáo phổ biến nhất ở đất nước tỷ dân vào năm ngoái. Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, sự phục hồi kinh tế thất thường sau đại dịch COVID-19, triển vọng việc làm không ổn định, chi phí chăm sóc y tế và giáo dục cao hơn… đã làm gia tăng áp lực tinh thần và cảm giác bất lực trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Theo Shen Jiake, một nhà văn viết tiểu thuyết tâm lý ở tỉnh miền trung Hồ Bắc, rối loạn lo âu đang là một xu hướng và đó là biểu hiện của sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong toàn xã hội.
"Trung Quốc đã phát triển quá nhanh trong 40 năm qua, dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong lối sống nhưng cũng làm gia tăng lo lắng. Chúng bao gồm sự xung đột giữa lối sống phương Tây và các giá trị gia đình truyền thống của Trung Quốc, sự bùng phát đột ngột của dịch bệnh và những bất ổn kinh tế cũng như cảm giác lo lắng ngày càng tăng trong thế hệ trẻ… Cảm giác vô định giờ đây hiện rõ hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu và giới trẻ", ông nói.
Sách Xanh về sức khỏe tâm thần Trung Quốc năm 2023 xác định tỷ lệ phát hiện trầm cảm ở học sinh trung học phổ thông là 40%, 30% đối với học sinh trung học cơ sở và chỉ 10% đối với học sinh tiểu học. Từ năm 2010 đến 2021, tỷ lệ tự tử ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi ở Trung Quốc tăng trung bình hàng năm gần 10%.
Ngọc Tuấn