Print

Huyện Thanh Oai (Hà Nội): Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới

Thứ Sáu, 10 /05/2024 17:22

Xác định phát triển kinh tế phải song hành với đảm bảo an sinh xã hội, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã đồng sức, đồng lòng tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 38-CT/TW về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Thanh Oai (Hà Nội) là một huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số ngành nghề thủ công truyền thống. Trong nhiều năm trở lại đây, huyện đang chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình canh tác trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa- cá, cây ăn quả chuyên cá và xây dựng các trang trại. Kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và xây dựng đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Huyện có 118 làng nghề, trong đó, có 27 làng nghề nổi tiếng, đã được công nhận như: Giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, sơn tượng Võ Thánh, điêu khắc Thanh Thùy, quạt làng Vác, nón làng Chuông… Trên địa bàn huyện có hai cụm công nghiệp 7 điểm công nghiệp thu hút đầu tư nhiều DN và các hộ sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, mức sống của người dân vẫn chưa đồng đều. Một bộ phận người dân vẫn khó tiếp cận với chính sách BHYT.

Ông Lê Văn Ân- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Oai cho biết, huyện luôn xác định phát triển kinh tế phải song hành với đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới được ban hành, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã quán triệt sâu rộng và cụ thể hoá bằng nhiều kế hoạch, nghị quyết, quyết định… Đồng thời, chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn ban hành văn bản và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW phù hợp với tình hình của địa phương, trong đó tập trung mở rộng bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Đặc biệt công tác tuyên truyền chính sách BHYT được huyện Thanh Oai phối hợp tập trung làm tốt. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, không chỉ cơ quan BHXH mà cả các đoàn thể chính trị xã hội: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…các phòng ban liên quan, hệ thống loa truỳền thanh huyện và các xã cũng tích cực vào cuộc. Huyện cũng quan tâm đầu tư hơn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân thông qua chính sách BHYT. Các Trạm y tế xã cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, cải thiện chất lượng phục vụ và tạo niềm tin ở người dân. Các nhà trường quan tâm tuyên truyền vận động HS và phụ huynh HS tham gia BHYT đầy đủ…

Nhờ công tác tuyên truyền bài bản, tích cực của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện và thực tế chuyển biến của chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT, nên nhận thức của người dân về chính sách này dần thay đổi.

Một số người dân chia sẻ: Trước kia, dù có thẻ BHYT, nhưng mỗi lần đi khám bệnh cũng thấy không tự tin, muốn giấu đi vì sợ bị phân biệt đối xử, sợ bị chờ lâu, bị gây phiền nhiễu… Nhưng giờ thì khác. Bệnh nhân khám BHYT hay khám dịch vụ đều được phục vụ như nhau, chung phòng khám, chung quy trình thủ tục, không phân biệt đối xử… Vì thế, có thể tự tin trình/quẹt BHYT mỗi lần đi khám bệnh.

Nhân viên một Trạm Y tế xã lý giải rằng: Bây giờ tỷ lệ bao phủ BHYT đã hơn 90% dân số, điều đó có nghĩa là hơn 90% người dân đến khám chữa bệnh thuộc diện BHYT, được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Nguồn thu để đảm bảo hoạt động cho các cơ sở y tế cũng vì thế chủ yếu từ quỹ BHYT. Thậm chí, chỉ định điều trị cho người có thẻ BHYT luôn chủ động, yên tâm.

Chính vì vậy, tại Thanh Oai, số người tham gia BHYT ngày càng tăng ở tất cả các nhóm đối tượng, từ học sinh đến người cao tuổi… Tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn huyện đã đạt 93,5% dân số. Giai đoạn 2009-2014 toàn huỵện có 91.161người tham gia BHYT thì giai đoạn 2015-2019 đã tăng lên 144.254 người tham gia và giai đoạn 2020-2023 là 170.744 người tham gia BHYT.

Thanh Oai cũng luôn hoàn thành chỉ tiêu công tác thu, phát triển người tham gia BHYT hàng năm và đảm bảo năm sau cao hơn năm trước; triển tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT được mở rộng. Huyện có 2 tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT là Bưu điện và Viettel hoạt động hiệu quả. Mỗi nhân viên thu như một tuyên truyền viên tích cực góp phần phát triển người tham gia BHYT.

Tính chung trong 15 năm (2009- 2023), huyện Thanh Oai đã có 2.248.016 lượt người khám chữa bệnh BHYT, được hưởng chi phí 394.179 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các địa phương, cơ quan, đơn vị đã được chia sẻ. Đồng thời, tập trung chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Khánh Bình- Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định: Kết quả thực hiện Chỉ thị 38 trong 15 năm qua là hành trang quý báu để các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHYT, để người dân được thực sự chăm sóc sức khoẻ từ chính sách BHYT đầy nhân văn.

Huyện uỷ Thanh Oai đã vinh danh 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.

Châu Anh