Chính phủ cần có giải pháp đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT
Tỷ lệ người tham gia BHYT cao; số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc ở một số BV công. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT...
Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm nay, cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong các lĩnh vực của Ủy ban, các chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2022 đều đạt và vượt. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc sửa đổi, bổ sung và triển khai các thể chế mới của thị trường lao động còn chậm, chưa khắc phục được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua về mất cân đối cung cầu lao động.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức vẫn khá cao và hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức. Công tác thống kê và hệ thống CSDL về lao động, việc làm vẫn còn lạc hậu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phục vụ hoạch định chính sách, pháp luật.
“Tỷ lệ người tham gia BHYT tuy cao và các năm đều đạt, song chưa thật sự bền vững, do nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ đóng chiếm tỷ lệ lớn và tỷ lệ tăng chủ yếu vào cuối năm. Tỷ lệ này có năm đến tháng 8, tháng 9 cách kế hoạch đặt ra khá xa, nhưng trong 1-2 tháng sau đã đạt được kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch. Mặt khác, công tác KCB còn những hạn chế, nhất là trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên môn của cơ sở y tế; và còn chênh lệch khá lớn về mặt bằng, chuyên môn giữa các tuyến chuyên môn kỹ thuật; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra...”- bà Thúy Anh nêu rõ.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, tình hình lao động, việc làm đang quay trở lại xu hướng phát triển bình thường trước đại dịch; lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước; ước số người tham gia BHXH đến hết tháng 3/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 1,6%; số người tham gia BH thất nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ; thu nhập bình quân tháng của NLĐ trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý I cũng tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thị trường lao động tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tác động của xung đột quân sự tại một số nơi trên thế giới và còn 37,8% triệu lao động chưa qua đào tạo là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng lao động xin nghỉ việc hàng loạt do tâm lý e sợ chính sách đối với NLĐ thay đổi về BHXH một lần. Số NLĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng, nhưng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng.
Bà Nguyễn Thúy Anh dẫn số liệu từ BHXH Việt Nam và cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, chi phí KCB BHYT trên toàn quốc tăng gần 5.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số địa phương gia tăng rất lớn. Nguyên nhân là do gia tăng số lượt KCB BHYT; cũng như gia tăng chi phí điều trị nội trú, ngoại trú; gia tăng tỷ lệ chỉ định cấp cứu, xét nghiệm, điều trị nội trú, chẩn đoán hình ảnh. Bên cạnh đó, còn do đã khắc phục được phần nào tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác KCB ở một số cơ sở y tế công.
“Tồn tại hiện nay là Chính phủ chậm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để phù hợp, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó có liên quan đến quy định về cấp chuyên môn KCB sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2025. Việc chậm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ ảnh hưởng đến các quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh; nếu chậm quá thì không kịp ban hành các văn bản quy định để tương thích giữa BHYT và KCB. Đáng chú ý, tình trạng quá tải ở các BV, đặc biệt là các BV tuyến trên vẫn tiếp tục diễn ra và hiện chưa có giải pháp đột phá để giải quyết triệt để”- bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Từ những khó khăn trên, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và một số luật liên quan đến lĩnh vực y tế như: Luật Dân số; Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hoặc ban hành luật về phòng bệnh. Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá tác động của cải cách tiền lương đến việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội, trong đó có việc điều chỉnh mức trợ cấp xã hội, nhất là cho các nhóm yếu thế; cũng như bố trí nguồn lực đảm bảo chính sách được triển khai kịp thời, đồng bộ với thời điểm thực hiện cải cách tiền lương (từ ngày 1/7/2024).
Bên cạnh đó, cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một bộ phận cơ sở y tế công lập để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp khi KCB, nhất là người có thẻ BHYT. “Ngoài ra, để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH theo yêu cầu tại Nghị quyết số 100 của Quốc hội”- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Nguyệt Hà