Print

Giám định chi phí KCB BHYT: Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người bệnh và không để lãng phí

Thứ Hai, 13 /05/2024 15:50

Sáng 13/5, tại Thừa Thiên Huế, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, BHXH Việt Nam khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thực hiện chính sách BHYT năm 2024. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 13-14/5, dành cho BHXH các tỉnh, thành phố phía Bắc- đây là Hội nghị tiếp nối sự kiện tương tự được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk (ngày 6-7/5) dành cho BHXH các địa phương phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT; đồng thời cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi quỹ; chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở KCB về những chi phí tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.

Đặc biệt, quan điểm luôn được BHXH Việt Nam nhấn mạnh là: “Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, phối hợp với các cơ sở KCB rà soát và thực hiện CCHC trong KCB BHYT, giảm phiền hà cho người bệnh, không để người bệnh phải chờ đợi lâu trong KCB BHYT, không để người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT”.

Theo thống kê, những năm trước, quỹ BHYT vẫn được cân đối, quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, chi phí KCB BHYT có chiều hướng gia tăng nhanh. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số lượt KCB BHYT toàn quốc tăng 5,2%; chi phí KCB BHYT tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số cơ sở KCB gia tăng rất nhanh cả về số lượt khám ngoại trú, số lượt điều trị nội trú và chi phí bình quân một lượt KCB.

Theo tính toán, với tốc độ chi KCB BHYT như hiện tại, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, khó có thể đảm bảo chi trong dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, công tác thu BHYT vì vậy cũng bị tác động mạnh mẽ, số thu tăng không nhiều mà số chi ngày một lớn, khiến cho trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam càng nặng nề hơn trong việc kiểm soát chi phí KCB BHYT.

“Hiện nay, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về KCB và BHYT mới được sửa đổi toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian vừa qua, có tác động lớn đến việc thực hiện hợp đồng KCB BHYT và kiểm soát chi phí KCB BHYT đã, đang và sắp có hiệu lực thi hành, đòi hỏi chúng ta cần cập nhật thông tin và thống nhất trong triển khai thực hiện, cũng như tìm ra các giải pháp để kiểm soát việc sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ.

Tại Hội nghị, BHXH các địa phương đã được hướng dẫn, phổ biến một số nội dung có liên quan đến công tác giám định BHYT quy định tại một số văn bản mới như: Luật KCB số 15/2023/QH15 (ngày 9/1/2023); Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (ngày 23/6/2023); Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đồng thời, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam (Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT...) cũng hướng dẫn BHXH các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Cụ thể: Hướng dẫn lập, giao, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT; giám định, thanh toán vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật; đấu thầu, mua sắm sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt, hướng dẫn một số nghiệp vụ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong công tác giám định BHYT; hướng dẫn phân tích và tổ chức giám định tại các cơ sở KCB gia tăng chi bình quân theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; giải đáp các vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác giám định BHYT...

Thái An