Công nhân lao động Thủ đô đóng góp ý kiến Dự án Luật BHXH (sửa đổi)
Chiều 13/5, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phối hợp với LĐLĐ Thành phố tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là đoàn viên Công đoàn, NLĐ (CNLĐ), để lấy ý kiến góp ý Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Quang Thanh- Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có trên 270.000 DN với khoảng 2,7 triệu NLĐ. Năm 2023, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
Hội nghị tiếp xúc cử tri CNLĐ do Đoàn ĐBQH và LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức
Tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số DN vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương và phúc lợi cho NLĐ. Tiền lương bình quân chung của NLĐ năm 2023 bằng so với năm 2022. Riêng quý I/2024, thu nhập bình quân của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do tình hình lạm phát, NLĐ phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với CNLĐ đang làm việc ở trong các KCN.
Cũng theo ông Thanh, hiện trên địa bàn có trên 2,05 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 88.126 người so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 88,93% kế hoạch. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn cao, nhiều DN cố tình chây ỳ, nợ đóng, trốn đóng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Đến hết tháng 4/2024, toàn thành phố có 93.539 đơn vị, DN chậm đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền 5.821 tỷ đồng, chiếm 8,24% so với số phải thu.
Góp ý Dự án Luật BHXH (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Dần- Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết: Khoản 1, Điều 47 Dự án Luật quy định NLĐ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 30 ngày trở lên/năm, trong 30 ngày đầu kể từ ngày kết thúc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi, thì được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức nghỉ ốm đau sau điều trị lên 60 ngày.
Đại diện cử tri CNLĐ nêu kiến nghị tại Hội nghị
Cũng theo ông Dần, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra tình trạng người SDLĐ là người nước ngoài về nước không trở lại Việt Nam, trong khi DN do họ làm chủ đang nợ lương của NLĐ và nợ tiền đóng BHXH. Thế nhưng, các quy định pháp luật về giải quyết đối với trường hợp chủ DN là người nước ngoài về nước không trở lại Việt Nam chưa đồng bộ, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ không được thực hiện đầy đủ. "Đề nghị Quốc hội quan tâm bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng thuận tiện, rõ trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này”- ông Dần nêu.
Liên quan đến BHXH, ông Vũ Hoàng Hồng- Trung tâm Quản lý buồng không lưu (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) đề xuất, ngoài các biện pháp xử lý đã nêu trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi), cần có chế tài xử lý những hành vi trốn thuế và đề nghị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, điều chỉnh mức hưởng chế độ ốm đau của NLĐ cho phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Tuấn- Công ty CP Xích líp Đông Anh cho biết, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong nước gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, buộc công nhân phải giảm giờ làm, không tăng ca, phải nghỉ việc luân phiên, thậm chí tạm hoãn hoặc chấm dứt HĐLĐ. Công ty CP Xích líp Đông Anh cũng không nằm ngoài số đó, cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi từ đầu năm 2024, hàng loạt khách hàng lớn giảm đơn hàng, gây sụt giảm doanh thu và không có đủ công ăn, việc làm cho NLĐ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng phát triển của Công ty. Ngoài ra, Công ty sẽ mất đi những lao động lành nghề và rất khó thu hút để tuyển dụng lao động mới.
"Để giải quyết bài toán trên, DN sẽ chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho NLĐ; tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân NLĐ; chủ động lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai. Tuy nhiên, DN cũng đề nghị Quốc hội thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ nới lỏng các cơ chế xuất nhập khẩu, để có thêm các đơn hàng mới- đây là động thái côt lõi để người NLĐ có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập"- ông Tuấn nêu kiến nghị.
Ông Lê Văn Long- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội làm rõ những vấn đề liên quan chính sách BHXH, BHYT được cử tri quan tâm
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, ông Lê Văn Long- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, việc rút BHXH một lần là quyết định của NLĐ và cơ quan BHXH tôn trọng quyết định đó. Điều kiện để rút bình thường là trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm có yêu cầu hưởng BHXH một lần nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH 2014 cho cơ quan BHXH. Đối với NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động, thì cơ quan BHXH luôn ưu tiên thực hiện ngay. Năm 2023, thành phố đã giải quyết cho 41.000 trường hợp rút BHXH một lần (chiếm trên 8%) và năm 2022 là 24.000 trường hợp. Giai đoạn 2019-2023, BHXH Thành phố giải quyết cho 173.000 trường hợp, có 27.000 trường hợp quay lại tham gia BHXH sau khi giải quyết chế độ một lần (chiếm 20%).
“Qua thống kê, độ tuổi giải quyết chế độ một lần từ 30-40 tuổi chiếm 40%; 20-30 tuổi chiếm 27%. Các trường hợp giải quyết chế độ một lần là những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đặt biệt khó khăn. Nhiều trường hợp giải quyết chế độ 176, nhận tiền một cục dẫn đến về già không có bệ đỡ an sinh, cuộc sống rất khó khăn. Do đó, NLĐ nên cân nhắc, bởi nếu rời bỏ BHXH, NLĐ sẽ mất các quyền lợi liên quan đến BHYT, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí… Chính vì vậy, tại BHXH Thành phố luôn có bàn tư vấn khi NLĐ muốn giải quyết chế độ một lần. Thực tế có khoảng 30% NLĐ không rút hồ sơ sau khi được giải thích cặn kẽ”- ông Long chia sẻ.
Liên quan đến BHYT, ông Long cho rằng, dựa trên tinh thần "lá lành đùm lá rách", NLĐ vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH, mặc dù đang chữa bệnh hiểm nghèo hay ốm đau, thăm khám thông thường. “Những ý kiến, kiến nghị của NLĐ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đều được BHXH Thành phố tiếp nhận và trình lên cơ quan có thẩm quyền xây dựng Luật theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Đồng thời, đề nghị Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ Thành phố tiếp tục tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, đời sống của NLĐ để có sự quan tâm phù hợp”- ông Long nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Mai- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết, đây là lần thứ hai, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phối hợp với LĐLĐ tổ chức tiếp xúc cử tri là CNLĐ. "Hội nghị hôm nay rất hiệu quả, khi có 18 ý kiến quan tâm, đóng góp xây dựng vào 2 dự thảo luật lớn là Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Đối với Dự án Luật BHXH (sửa đổi), qua nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp của cử tri cũng như bàn thảo tại nghị trường Quốc hội cho thấy, vẫn còn những vấn đề chưa được thống nhất, đặc biệt liên quan đến phương án rút BHXH một lần…"- bà Mai chia sẻ thêm.
Vũ Thu