Print

Giới trẻ Trung Quốc đua nhau tiết kiệm chi tiêu

Thứ Tư, 15 /05/2024 14:35

Trong bối cảnh kinh tế và việc làm ảm đạm, nhiều người trẻ ở Trung Quốc bắt đầu “thắt chặt hầu bao” để thích ứng với tình hình mới và xu hướng "bữa ăn nhà nghèo" kiểu ngon- bổ- rẻ đang trở nên phổ biến.

"Tôi ăn no bụng với bữa sáng từ quầy tự chọn giá 3 nhân dân tệ (khoảng 10.000 đồng), sau đó ăn trưa một suất KFC OK giá 19,9 nhân dân tệ (khoảng 70.000 đồng). Tôi mua một ly cà phê 9,9 nhân dân tệ (khoảng 35.000 đồng) để giữ tinh thần tỉnh táo vào buổi chiều, và mua một suất mì 10 nhân dân tệ (hơn 35.000 đồng) tại 7-Eleven cho bữa tối. Sau 20h30, tôi chọn các mặt hàng giảm giá ở Hema Fresh", một thanh niên Trung Quốc kể về việc chi tiêu cho ăn uống hàng ngày của bản thân.

Trong hai năm qua, "bữa ăn nhà nghèo" như vậy đã trở nên phổ biến. Những hướng dẫn kiểu "cẩm nang mua hàng cho người nghèo" hay "mẹo để được giảm giá đồ ăn nhanh hằng tuần mà không lặp lại" lan truyền khắp các trang mạng. Xu hướng này cũng mở rộng từ các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phương Tây sang nhiều lựa chọn khác, trong đó có các nhà hàng cao cấp Michelin và Sam's Club được mệnh danh là "siêu thị trung lưu".

Từ McDonalds đến Xin Rong Ji

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, McDonald đã giới thiệu bữa ăn theo suất 1 + 1 = 13,9 nhân dân tệ và được khách hàng đón nhận rất tích cực. Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác của phương Tây đã nhanh chóng hành động tương tự, tung ra một số suất ăn khuyến mãi để thu hút thực khách.

Một loạt chuỗi ẩm thực của Trung Quốc cũng lập tức gia nhập xu hướng thông qua các điểm ăn sáng và cửa hàng tiện lợi. Chẳng hạn, 7-Eleven, Lawson và Family Mart cung cấp một bữa sáng Pizza Hut giá 9,9 nhân dân tệ, suất ăn sáng Nayuki giá 9,9 nhân dân tệ và bữa sáng giá 6 nhân dân tệ.

Điển hình nhất phải kể đến thương hiệu đồ ăn nhanh Nam Thành Hương ở Bắc Kinh, nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với "các món ăn phải có đối với người nghèo từ nơi khác đến Bắc Kinh làm việc". Theo một báo cáo trên canyin168.com, kể từ khi đưa ra phiên bản "suất ăn của người nghèo", các chi nhánh của Nam Thành Hương đã chứng kiến doanh số bán hàng hằng ngày vào thời điểm ăn sáng tăng đột biến.

Cuộc chiến giành tầng lớp trung lưu

Theo một bài phân tích, tầng lớp trung lưu Trung Quốc rõ ràng đang gặp khó khăn vì kinh tế suy thoái và sức tiêu dùng giảm sút. Đa số họ ưu tiên tính hiệu quả của chi tiêu và tỷ lệ chất lượng của sản phẩm so với giá cả, hy vọng mua được hàng hóa có chất lượng tốt nhất có thể với giá rẻ nhất có thể. Như vậy, để cạnh tranh, các siêu thị nhắm đến tầng lớp trung lưu ngay từ ban đầu không chỉ cần duy trì chất lượng mà còn phải giảm giá nhiều sản phẩm.

Là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở Trung Quốc, lĩnh vực ăn uống bao gồm tất cả các hoạt động thương mại như nấu nướng, chuẩn bị và bán thực phẩm cho người tiêu dùng ở những địa điểm cụ thể. Dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia cho thấy doanh thu dịch vụ ăn uống của quốc gia tỷ dân đạt 1,3445 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý 1/2024, tăng 10,8% hằng năm. 

Ngành cung cấp dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc có những chuyển biến mạnh mẽ như vậy là do nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh và đa dạng.

Theo báo cáo Triển vọng về ngành hàng tiêu dùng nhanh Trung Quốc năm 2024 của NielsenIQ, 43% số người được hỏi sẽ kiểm soát chặt chẽ tổng số tiền họ chi tiêu, trong khi 37% sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng và tìm kiếm mức giá tốt nhất hoặc giá thấp hơn các sản phẩm. Một nghiên cứu của RET.cn cho thấy, những người ở độ tuổi từ 25 đến 35 đang giảm sức tiêu dùng mạnh nhất trong 3 năm qua, với mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở các mặt hàng xa xỉ cũng như mức tiêu dùng thư giãn và giải trí 

Một số nhà cung cấp thực phẩm chỉ ra rằng, không phải giới trẻ ngày nay "nghèo" đến mức chỉ có thể mua được "suất ăn cho người nghèo" mà họ muốn suất ăn đó mang lại giá trị cao nhất cho số tiền mình đã bỏ ra.

Ngọc Tuấn