FIFA đối diện nguy cơ kiện tụng: Siêu giải đấu- Tham vọng và rắc rối
LĐBĐ thế giới (FIFA) đang phải đối mặt với nguy cơ kiện tụng pháp lý nghiêm trọng từ các liên đoàn cầu thủ và tổ chức các giải đấu trên toàn cầu, liên quan đến lịch thi đấu quốc tế. Nguyên nhân chính đến từ ý tưởng mở rộng giải vô địch các CLB thế giới (FIFA Club World Cup) dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Trong một lá thư chính thức gửi đến Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, các bên liên quan bày tỏ lo ngại về tình trạng "bão hòa quá mức" của lịch thi đấu hiện tại, nhấn mạnh việc mở rộng FIFA Club World Cup lên 32 đội (dự kiến diễn ra vào tháng 6 và tháng 7/2025) sẽ gây ra những "tác động kinh tế tiêu cực" đến các giải vô địch quốc gia và đẩy các cầu thủ "vượt quá giới hạn" về thể lực.
Lá thư kêu gọi Hội đồng FIFA xem xét lại lịch thi đấu của FIFA Club World Cup và tái khởi động các cuộc thảo luận về lịch thi đấu quốc tế cho giai đoạn đến năm 2030. Các bên liên quan nhấn mạnh: “Nếu FIFA từ chối chính thức cam kết giải quyết các vấn đề nêu trên tại hội đồng sắp tới, chúng tôi buộc phải tư vấn cho các thành viên về các lựa chọn có sẵn cho họ, cả cá nhân và tập thể, để chủ động bảo vệ lợi ích của họ. Các lựa chọn này bao gồm cả việc kiện pháp lý FIFA, và chúng tôi đã ủy quyền cho các chuyên gia bên ngoài tư vấn về vấn đề này”.
Lá thư được gửi bởi Hiệp hội các giải đấu thế giới (World Leagues Association) và công đoàn cầu thủ thế giới FIFPRO, đại diện cho các tổ chức uy tín như Premier League (EPL) và Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA). Trước đó, CEO của EPL, cũng là Chủ tịch WLA, Richard Masters, đã cảnh báo vào tháng trước: “Lịch thi đấu đang đến một điểm bùng nổ. Phản hồi chúng tôi nhận được từ các cầu thủ là có quá nhiều trận đấu được diễn ra và liên tục mở rộng thêm các giải đấu. EPL không thay đổi hình thức. Điều thay đổi trong vài thập kỷ qua là sự gia tăng của các giải đấu bóng đá quốc tế và khu vực”.
Trong một diễn biến có liên quan, FIFA không bình luận về lá thư trên, nhưng đặt câu hỏi tại sao họ lại bị đơn độc chỉ trích trong vấn đề lịch thi đấu dày đặc, trong khi các giải đấu khác cũng đang được mở rộng. “Liệu động lực được nêu trong thư của các ông có dẫn đến những văn bản phản đối tương tự và các đề cập đến hành động pháp lý đối với các thành viên của các ông hoặc những nhà tổ chức các giải đấu khác?”, ông Matthias Grafström, Giám đốc Pháp lý của FIFA, bày tỏ.
Nói cách khác, FIFA đang muốn biết liệu các bên liên quan có chỉ tập trung cáo buộc họ về lịch thi đấu quá tải, hay còn có bất bình với các giải đấu khác đang mở rộng quy mô. Phát biểu này ám chỉ 2 tổ chức trên không đề cập việc UEFA Champions League cũng sẽ tăng thêm hai trận đấu cho mỗi đội ở vòng bảng, được cải tổ từ mùa giải tới, nâng tổng số trận đấu lên 8 trận, nhằm nhồi nhét lịch thi đấu giữa các giải đấu quốc nội và quốc tế.
Christian Müller, chuyên gia kinh tế bóng đá hàng đầu châu Âu nhận định vấn đề không chỉ là câu chuyện sức khỏe cầu thủ từ lịch thi đấu quá tải, thiếu sự đồng thuận giữa các tổ chức, mà còn là mâu thuẫn lợi ích giữa các bên: “FIFA đang cố gắng tối đa hóa doanh thu bằng cách đẩy ra càng nhiều giải đấu mang tính thương mại càng tốt. Nhưng hệ quả là họ phải đối mặt với hàng loạt rắc rối pháp lý tiềm tàng”.
Sự trỗi dậy của hàng loạt các siêu giải đấu mới đang đe dọa tính bền vững về mặt tài chính cũng như thương hiệu của các giải quốc nội truyền thống. Nhưng, Bill Gerrard, chuyên gia kinh tế học bóng đá tại Đại học Leeds cảnh báo: "Việc thêm nhiều giải đấu mới là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nếu điều này không được kiểm soát chặt chẽ, cuối cùng các giải đấu đó sẽ tự đào đất mai táng lẫn nhau, làm tan nát giá trị cũng như quyền lợi của khán giả truyền thống”.
Hoàng Hương