Print

Bộ Y tế chính thức cấp phép lưu hành vắc-xin phòng sốt xuất huyết

Thứ Năm, 16 /05/2024 15:02

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa cấp phép lưu hành vắc-xin sốt xuất huyết. Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam, chỉ định cho đối tượng từ 4 tuổi trở lên.

Cục Quản lý Dược vừa ban hành quyết định cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho 40 loại vắc-xin, sinh phẩm. Trong đó gồm: 1 sinh phẩm được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm; 8 vắc-xin, sinh phẩm được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm; 22 vắc-xin, sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực; 9 sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội

Vắc-xin phòng sốt xuất huyết của Takeda là một trong số 40 vắc-xin, sinh phẩm được cấp phép, gia hạn lần này. Vắc-xin sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.

Bà Katharina Geppert- Tổng Giám đốc Takeda Việt Nam cho biết, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc-xin phòng sốt xuất huyết là bước tiến trong nỗ lực chung phòng ngừa sốt xuất huyết, đánh dấu một cột mốc to lớn đối với Takeda và việc phòng ngừa rủi ro sức khỏe do bệnh sốt xuất huyết gây ra.

"Vắc-xin này sẽ trở thành công cụ phòng ngừa bổ sung quản lý bệnh sốt xuất huyết toàn diện, góp phần giảm thiểu tác động của căn bệnh này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý, chuyên gia y tế, các hội chuyên môn, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, các tổ chức tư nhân, cũng như nhiều bên liên quan khác để cùng chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam và các quốc gia khác"- bà Katharina Geppert cho biết.

Tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024 có hơn 16.800 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cục Y tế dự phòng cho biết, xét nghiệm trên người bệnh cho thấy có cả 4 type huyết thanh gây sốt xuất huyết dengue, trong đó DEN-2 chiếm 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.

Theo PGS-TS.Phạm Quang Thái- Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), sốt xuất huyết rất khác với các bệnh truyền nhiễm khác, đây là bệnh có nguy cơ lan rộng thành dịch cho một quốc gia, bất kể độ tuổi cũng như tình trạng đã từng nhiễm trong quá khứ của người dân. Chi phí điều trị cũng ảnh hưởng tới thu nhập của hộ gia đình, trong khi bệnh gây ảnh hưởng tâm lý lâu dài cho cá nhân và tác động đến an sinh xã hội.

Cùng với biến đổi khí hậu, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng đã tạo áp lực và gây quá tải cho các cơ sở y tế trong nước. "Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát véc tơ, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức điều trị hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý bệnh sốt xuất huyết và giảm tỷ lệ tử vong, việc Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin phòng sốt xuất huyết là rất đáng hoan nghênh, vì vắc-xin là biện pháp góp phần phòng ngừa đặc hiệu giúp bảo vệ người dân Việt Nam khỏi bệnh sốt xuất huyết"- PGS.Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Theo dự kiến, vắc-xin phòng sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9/2024. Đến nay, vắc-xin phòng sốt xuất huyết do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Vắc-xin này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.

Các chuyên gia cho biết thêm, phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11). Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus, rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: Sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn sốt (3-7 ngày), bệnh thường khó phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, bệnh có thể có diễn biến đột ngột, gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí gây tử vong, thời gian phục hồi lâu.

Hà Hùng