Print

Tuần lễ Vàng 2024: Thêm hy vọng mới cho các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn

Chủ nhật, 19 /05/2024 14:14

Kỷ niệm 15 năm thành lập BV, Chương trình Tuần lễ Vàng 2024 của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã gia tăng số lượng gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ 10 ca lên 15 ca, thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Chương trình Tuần lễ Vàng là hoạt động thường niên được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội duy trì thực hiện trong 10 năm qua, hỗ trợ các gia đình hiếm muộn hiện thực hoá ước mơ làm cha mẹ. Từ năm 2015 đến nay, hàng trăm cặp vợ chồng đã nhận hỗ trợ từ chương trình, trong đó có hơn 50 gia đình hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF với 59 em bé chào đời, hơn 400 gói miễn phí các dịch vụ với tổng giá trị hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng và gần 600 phần quà bốc thăm may mắn trị giá 5-100 triệu đồng…

Năm nay, Tuần lễ Vàng diễn ra từ ngày 6-19/5/2024. Tại Lễ tổng kết chương trình diễn ra sáng 19/5, bên cạnh 15 gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF, BV còn có 105 ca được hỗ trợ sinh sản miễn phí khác bao gồm: 15 ca sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền đơn gen; 15 ca sử dụng dịch vụ kỹ thuật IVF (chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3, chuyển phôi); 15 ca thụ tinh nhân tạo- bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); 15 ca phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE); 15 ca phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung; 15 ca nuôi cấy và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse… Đây là những kỹ thuật hiện đại mang lại hiệu quả cao trong điều trị, hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp hiếm muộn…

Tại Lễ tổng kết khép lại Tuần lễ Vàng, rất nhiều câu chuyện đã được chia sẻ. Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung xúc động nhất là họ đã chạm vào hạnh phúc thiêng liêng. Đó là câu chuyện cả gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1990) và anh Phùng Văn Tuấn (sinh năm 1981) quê ở Yên Mô (Ninh Bình) hiếm muộn 12 năm ròng rã tìm con. Kết hôn năm 2009, suốt một thời gian dài, anh chị đã tìm đến rất nhiều phương pháp Đông Tây y kết hợp, nhưng đều không có kết quả, thậm chí đã thực hiện thụ tinh nhân tạo- bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hai lần nhưng đều thất bại. Năm 2019, trong một lần thăm khám tìm nguyên nhân, anh Tuấn được chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch thừng tinh và thực hiện mổ can thiệp ngay sau đó.

Năm 2021, qua lời giới thiệu của người thân, gia đình chị Huệ anh Tuấn tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Sau khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chị Huệ bị polyp buồng tử cung cần thực hiện phẫu thuật loại bỏ polyp trước khi bước vào quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản. Tháng 2/2021, ca phẫu thuật nội soi buồng tử cung mang đến niềm hy vọng về “tiếng cười con trẻ” đang đến rất gần với hành trình IVF phía trước. Cũng từ đây, may mắn bắt đầu mỉm cười với anh chị, khi mọi quá trình kích trứng, chọc trứng, tạo phôi tại BV đều diễn ra thuận lợi.

Tháng 5/2021, vợ chồng anh chị vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên sau 12 năm hiếm muộn mong con được nhìn thấy chiếc que thử thai hiện 2 vạch rõ nét. Và rồi, sau 9 tháng thai nghén, chị Huệ hạ sinh một bé trai kháu khỉnh đáng yêu. Hiện nay, con trai đầu lòng của chị Huệ đã gần 3 tuổi. Mong muốn có thêm con thứ hai, cuối năm 2023, vợ chồng chị Huệ quyết định quay lại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tiếp tục chuyển phôi trữ đang có tại BV. Sau quá trình thăm khám, canh niêm mạc chuyển phôi, tháng 1/2024, chị Huệ chuyển phôi trữ thành công, hiện tại chị đang mang thai ở tuần thứ 22 với một niềm hạnh phúc vô bờ...

Câu chuyện tìm con của gia đình chị Cao Thị Hằng (sinh năm 1983) và anh Phùng Văn Dũng (sinh năm 1978) hiện đang sinh sống ở Hà Nội cũng truyền động lực mạnh mẽ cho các gia đình đang trên hành trình tìm con. Kết hôn năm 2004, 6 tháng sau đó, vợ chồng chị Hằng anh Dũng bắt đầu hành trình tìm con. Ròng rã suốt chặng đường dài 5 năm tìm kiếm con đầy gian nan vất vả, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với gia đình anh chị- khi đã chào đón con gái đầu lòng nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF.

Và 5 năm sau đó, vợ chồng chị Hằng tiếp tục hành trình IVF lần 2 với mong muốn đón được thêm con yêu về nhà. Dẫu tưởng hành trình những ngày tháng hiếm muộn trước đó đã quá gian nan vất vả, nhưng đến lần IVF thứ 2 này, hành trình tìm con mới thực sự trải qua những ngày tháng tuyệt vọng với gần 20 lần chuyển phôi đều thất bại mà không tìm ra nguyên nhân. Đến năm 2021, vợ chồng chị Hằng chuyển ra Hà Nội sinh sống và đến BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, anh chị được bác sĩ tư vấn chọc trứng tạo phôi, nuôi và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) Timelapse.

Từ đó, các bác sĩ và chuyên viên phôi học nhận thấy những bất thường của một số phôi. Việc theo dõi và cập nhật liên tục, không bị gián đoạn hình ảnh phôi trong quá trình hình thành và phát triển giúp cho các chuyên viên phôi học đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã tới ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên của chị Hằng tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Cả quá trình mang thai diễn ra thuận lợi, chị Hằng hạ sinh một bé gái vào đầu năm 2023, hiện nay bé đã hơn 1 tuổi rất kháu khỉnh và đáng yêu...

Chung tay cùng cộng đồng nâng cao nhận thức về vô sinh hiếm muộn, bên cạnh hoạt động chuyên môn, những năm qua, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng như: Quỹ nhân đôi tấm lòng vàng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng; khám và tư vấn miễn phí cho chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình của TTYT quận, huyện tại Hà Nội; triển khai các chương trình hỗ trợ thăm khám và điều trị hiếm muộn cho các gia đình quân nhân, nhân viên y tế, giáo viên…

Thái An