Print

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Thứ Hai, 20 /05/2024 09:41

Sáng ngày 20/5/2024, tại Hội trường Diên Hồng, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban TVQH), Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của BCH Trung ương Đảng khóa 13 thành công tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024, chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến 28/6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Về công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết (đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay). Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 Dự án Luật; 03 Dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 Dự án Luật khác.

Các Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm nhiều của cử tri và Nhân dân cả nước. Ủy ban TVQH đã tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để cho ý kiến về 08 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Vì vậy, các vị ĐBQH phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung đóng góp ý kiến toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo luật để bảo đảm chất lượng cao nhất khi được xem xét, thông qua. Đối với các Dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đề nghị các vị ĐBQH quan tâm thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, những nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng; tính hợp lý, khả thi của các quy định để làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. “Các vị ĐBQH phân tích khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán NSNN. Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024 cần bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội…; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế- xã hội, tài chính, NSNN năm 2024, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng“- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình Giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025...

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Do đó, các vị ĐBQH xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. “Như vậy, khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 7 là rất lớn. Để Kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban TVQH, tôi trân trọng đề nghị các vị ĐBQH phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước“- Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Trước giờ khai mạc Kỳ họp, các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ĐBQH đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

V.Thu