Print

Tân vô địch Serie A Inter Milan: Điển hình của kinh tế thể thao hiện đại

Thứ Ba, 21 /05/2024 07:38

Inter Milan, gã khổng lồ và là tân vô địch Serie A mùa 2023/24, đang phải đối mặt với viễn cảnh bất ổn khi tập đoàn Suning- chủ sở hữu hiện tại của họ, sắp đến hạn thanh toán khoản nợ khổng lồ với Oaktree Capital. Tình huống này đặt ra câu hỏi về tương lai của câu lạc bộ và liệu Inter có thể vượt qua khủng hoảng tài chính.

Bấp bênh

Việc Suning sắp đến ngày đáo hạn khoản nợ với Oaktree Capital có thể châm ngòi cho một sự thay đổi trong quyền sở hữu đối với gã khổng lồ Serie A Inter Milan. Các ông chủ Trung Quốc của Inter đang tìm cách trả số tiền khoảng 400 triệu USD cho OakTree Capital (gốc cộng lãi) trong tháng 5/2024. Vì Inter được sử dụng để làm tài sản thế chấp nhằm đảm bảo khoản vay với lãi suất 12%, nên việc không trả nợ đúng hạn sẽ dẫn đến khả năng thay đổi chủ sở hữu đội bóng. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách điều hành câu lạc bộ, bao gồm cả việc chuyển nhượng cầu thủ và chiến lược đầu tư.

Ngoài ra, Inter Milan cũng có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ UEFA, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu, vì vi phạm các quy định về Công bằng Tài chính.

Mới đây, Oaktree Capital đã từ chối đề nghị giãn nợ đến năm 2026 với lãi suất tăng lên 16% như Sunning đề xuất. Lập luận của OakTree Capital là giá trị của đội bóng có thể giảm theo thời gian, khiến việc trả nợ càng trở nên khó khăn hơn. "Nếu Suning không thể thanh toán khoản nợ, điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho câu lạc bộ. Inter Milan có thể bị buộc phải bán một số cầu thủ trụ cột và cắt giảm chi tiêu cho chuyển nhượng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trong Serie A và Champions League", Dr. Raffaele Facchini, giảng viên Đại học Bologna, Chuyên gia kinh tế thể thao, nhận định.

Paolo Lombardi, Luật sư thể thao Italia, chia sẻ: "Theo luật thể thao châu Âu, Inter Milan có thể bị trừng phạt nếu họ vi phạm các quy định về Công bằng Tài chính. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm phạt tiền, cấm chuyển nhượng cầu thủ và thậm chí là loại khỏi các giải đấu châu Âu". David McLean, nhà phân tích tài chính của Bloomberg, bổ sung thêm: "Nếu Oaktree Capital tiếp quản Inter Milan, họ có thể mang đến nguồn lực tài chính và chuyên môn cần thiết để giúp câu lạc bộ phục hồi và phát triển".

Động cơ đằng sau

Mỹ là quốc gia có sự can thiệp nhiều nhất ở Serie A, khi có tới 13 đội thuộc sở hữu của các quỹ đầu tư và các gia đình đến từ bên kia Đại Tây Dương. Những đội bóng Italia nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của người Mỹ gồm: AC Milan, Fiorentina hay AS Roma. Các đại gia Hoa Kỳ đang nhắm đến các câu lạc bộ Calcio vì họ nhìn thấy những cơ hội sinh lợi lớn. Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ thường xuyên tìm cách kiếm tiền từ các lĩnh vực khác có liên quan như du lịch, cơ sở hạ tầng, khách sạn, hậu cần và sân vận động. Ví dụ, chủ sở hữu của AC Milan, RedBird Capital, đi đầu trong việc xây dựng một sân vận động mới.

Tuy nhiên, họ cũng muốn làm như vậy đối với tất cả các đội khác ở Serie A không sở hữu sân bóng riêng. Quỹ đầu tư này muốn thay đổi phần lớn các câu lạc bộ tại Calcio, với Juventus là ngoại lệ gần như duy nhất.

Tương lai nào?

Nếu như không có gì thay đổi, Sunning nhiều khả năng sẽ khó đáp ứng được thời hạn trả nợ vào ngày 20/5, và việc chuyển quyền sở hữu Inter từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ xảy ra. Inter có thể được định giá tầm 1 tỷ USD. Suning sẽ thu lại được một phần trong số đó. Tuy nhiên, họ sẽ có nghĩa vụ giải trình với Ngân hàng Xây dựng Châu Á, một trong những bên yêu cầu bồi thường lớn nhất.

Với ba Quỹ tài sản công tại vùng Vịnh cùng gần 1 nghìn tỷ đô la tiền mặt để tùy ý sử dụng, CĐV Inter chỉ có thể mong đợi người Ả Rập, đặc biệt là PIF, hay Cơ quan đầu tư Abu-Dhabi, sẽ mua cổ phần của đội bóng. Abu-Dhabi, thông qua City Football Group, đã sở hữu Palermo. Trong khi đó, PIF được cho là đang quan tâm đến AC Milan, Inter Milan cũng như Roma. Ngoài ra, PIF có thể chi 70 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy quá trình đa dạng hóa hệ sinh thái đầu tư của mình ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ. Bóng đá là một trong những chiến lược của Saudi Arabia và có thể chiếm 3% GDP quốc gia này vào năm 2030.

Hoàng Hương