Print

Tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP

Thứ Tư, 22 /05/2024 06:43

Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối về ATTP; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

Ngày 21/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị toàn quốc Tăng cường công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Vấn đề đảm bảo ATTP rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, vấn đề an sinh. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp...

Hội nghị toàn quốc Tăng cường công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 17 về tăng cường công tác an ninh, ATTP trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, còn có 2 nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể. Thứ nhất là về thể chế đã có Luật ATTP, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan... Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...

Theo báo cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế), trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người. Điều này cho thấy có những vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện... Trong số này có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân, theo báo cáo của Cục ATTP, 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Theo các chuyên gia, ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý ATTP tiên tiến. Tuy nhiên, để dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm có cả nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật; và có cả nguyên nhân chủ quan như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt... Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận; thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.

Trên cơ sở nhận diện đầy đủ những nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: "Vấn đề đảm bảo ATTP hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương. Chúng ta không đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế. Việc đảm bảo ATTP liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, NN&PTNT hay Công Thương”.

Việc đảm bảo ATTP liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, NN&PTNT hay Công Thương. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới....

Cùng đó, thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. Các địa phương, các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

"Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do ngành nông nghiệp, công thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần tuyên truyền thường xuyên nâng cao nhận thức của người dân để chọn thực phẩm an toàn. Ngành nông nghiệp, công thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản: thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cần yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng... kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống... Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.

Hà Hùng