Print

Sân khấu nỗ lực tiếp cận khán giả nhí

Thứ Năm, 23 /05/2024 09:11

Khán giả nhỏ tuổi luôn là đối tượng tiềm năng mà các nhà hát mong muốn tiếp cận. Nhiều đơn vị đang nỗ lực vượt qua những khó khăn “cố hữu” của sân khấu, đổi mới để thu hút khán giả nhí, không chỉ riêng trong dịp Hè.

Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) được biết đến là đơn vị nghệ thuật quốc gia duy nhất tại Việt Nam có chức năng biểu diễn phục vụ thiếu nhi và khán giả trẻ. Trải qua 46 năm hoạt động, Nhà hát đã dàn dựng và biểu diễn hơn 100 vở diễn lớn nhỏ dành cho thiếu nhi ở nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau, đón hàng triệu lượt khán giả tới rạp cũng như lưu diễn tại các trường học, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Một cảnh trong vở Bữa tiệc của Elsa

Ngay trong năm 2024 này, đón chào mùa Hè đang đến rất gần, Nhà hát đã lên kế hoạch dàn dựng và biểu diễn dự án Mùa Hè yêu thương với nhiều vở kịch đặc sắc dành cho khán giả nhỏ tuổi như: Bữa tiệc của Elsa, Vị vua không ngai, Giải cứu bà nội, Zorba- Chú mèo thám tử... Đây là sự nỗ lực rất lớn của Nhà hát trước khó khăn chung của nghệ thuật biểu diễn- khi phải cạnh tranh gay gắt với các phương tiện nền tảng kỹ thuật số, các rạp chiếu phim hiện đại…

Theo NSƯT Sĩ Tiến- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị đã nghiên cứu tìm giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tháo gỡ khó khăn. Cụ thể như: Lập kế hoạch lịch biểu diễn cho cả năm; sớm thiết kế các poster với đầy đủ kịch mục, tên chương trình theo mùa, theo các ngày lễ kỷ niệm… Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông tổng lực trước đợt diễn hoặc các vở diễn, chương trình sắp diễn ra một cách toàn diện trên Fanpage, Facebook, website, Tiktok, thậm chí lập Fanpage riêng cho từng vở để khán giả không bị lẫn chương trình...

Nhà hát cũng đầu tư cho nguồn kịch bản- vốn là “điểm yếu” của sân khấu hiện nay, khi tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi, nhằm tạo nguồn kịch bản mới. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ... của Nhà hát luôn học hỏi, cập nhật những yếu tố mới, hiện đại trên thế giới để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm. Có thể kể đến như mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” dành riêng cho thanh thiếu niên, nhi đồng…

Nhà hát Kịch Hà Nội cũng là đơn vị đầu tư nhiều cho các vở diễn dành cho lứa tuổi nhỏ. Nhà hát vừa tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, với vở diễn Lời bà kể- dựa trên 2 tác phẩm Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện được khán giả nhỏ tuổi rất yêu thích.

NSND Nguyễn Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, sân khấu vốn là loại hình mang đủ yếu tố để có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy nhiên, sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản dành cho nhóm đối tượng này. Để khắc phục, Nhà hát đã lựa chọn lấy chất liệu văn học dân gian, các câu chuyện cổ tích Việt Nam phù hợp để chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Ngoài ra, còn đầu tư thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh... mang tính đương đại để tăng thêm phần sinh động, gần gũi, giúp khán giả nhỏ tuổi hào hứng hơn.

Đại diện cho tiếng nói của khán giả trẻ, em Nguyễn Như Khôi- nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP.Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hiện đang là HS Lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Các bạn thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút cần đẹp, hiện đại. Nội dung tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi”.

Anh Minh