Print

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới

Thứ Năm, 23 /05/2024 14:26

Trong giai đoạn 2020-2024, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã thanh tra, kiểm tra 9.069 vụ thuốc lá điếu nhập lậu; xử lý 7.215 vụ vi phạm về thuốc lá điếu nhập lậu với tổng giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 14 tỷ đồng; xử lý 707 vụ vi phạm về thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 92 tỷ đồng.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2020 đến quý I/2024, thanh tra, kiểm tra 9.069 vụ thuốc lá điếu nhập lậu; xử lý 7.215 vụ vi phạm về thuốc lá điếu nhập lậu với tổng giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 14 tỷ đồng; xử lý 707 vụ vi phạm về thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 92 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục QLTT, thời gian qua Tổng cục đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, các Kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm và các Kế hoạch kiểm tra chuyên đề có liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá thế hệ mới. Ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Đồng thời, tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật chuyên đề về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh rượu và thuốc lá của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mặt hàng thuốc lá thế hệ mới.

Mặc dù quyết liệt tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới, tuy nhiên, theo Tổng cục QLTT, đối với thuốc lá điếu nhập lậu, pháp luật đã có quy định cụ thể xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Do vậy, việc xác định giá trị hàng cấm để xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, hàng cấm không có giá niêm yết, không có tờ khai nhập khẩu, không có thông báo giá của cơ quan tài chính ở địa phương, không thể áp dụng giá thị trường để xác định giá trị. Đồng thời, hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật là hàng cấm cũng không có cơ sở cho việc định giá hàng cấm. “Do vậy, Chính phủ cần có quy định cụ thể căn cứ cho việc xác định giá trị hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu để áp dụng thống nhất”-Tổng cục QLTT đề xuất.

Liên quan đến thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng), hiện nay chưa có cơ chế chính sách quản lý rõ ràng và quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không thuộc ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, đồng thời, cũng chưa có quy định pháp luật cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Vì vậy, đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan, lực lượng chức năng không có căn cứ áp dụng các quy định pháp luật xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, Kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay chưa có cơ sở để xác định thuốc lá điện tử là sản phẩm thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và do vậy, chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Tổng cục QLTT chỉ ra, do chưa có chính sách, quy định pháp luật về quản lý thống nhất đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nên hiện nay các lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và/hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là nguyên nhân chính làm cho hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động kinh doanh thuốc lá thế hệ mới chưa cao. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng chính sách quản lý rõ ràng, nhất quán đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho người dân.

H.Thủy