Sớm trình Chính phủ phương án giải quyết việc vay, mượn trang thiết bị y tế phòng, chống dịch
Hiện nay, Bộ Y tế đang tổng hợp và xây dựng Tờ trình để trình Chính phủ trong tháng 5, 6/2024 phương án xử lý việc vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Thông tin tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện nay Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh nhận được nhiều đơn kiến nghị của các doanh nghiệp, liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư…trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, giải quyết. Theo đại biểu, thực tế vấn đề này cũng đã được nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết, song cho đến nay việc này vẫn chưa có phương án rõ ràng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản để khắc phục vấn đề trên.
Đồng thời, Đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay, và cơ chế tài chính cho các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện như án phí và chi phí thi hành các bản án. “Nếu làm được việc này, doanh nghiệp sẽ thấy được Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, thể hiện sự có lý có tình và các địa phương, các cơ sở y tế cũng dễ triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ.
Trao đổi về kiến nghị của đại biểu tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vấn đề thanh toán sau dịch Covid-19 liên quan đến vay, mượn thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang được Bộ quan tâm để tìm cách giải quyết. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng việc tạm ứng vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế để dùng hiện chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi này.
Qua đợt chống dịch vừa rồi, do tình huống cấp bách, một số đơn vị y tế, địa phương phải thực hiện vay, mượn, tạm ứng để có điều kiện đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Ngay cả một số đơn vị của Bộ Y tế cũng phải làm việc này. Khi kết thúc dịch Covid-19 thì phát sinh một số vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật.
"Thời điểm này, nếu chúng ta đấu thầu trả bằng hiện vật thì các sinh phẩm, vật tư y tế dành cho chống dịch cũng không để làm gì do dịch đã kết thúc. Còn nếu trả bằng tiền thì lại đặt ra việc trả ở mức độ nào, nguồn như thế nào", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Chính vì vậy, trong quá trình giám sát về nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và trong Nghị quyết 99 của Quốc hội, cũng đã đề cập đến nội dung này, và giao Chính phủ đề xuất phương án xử lý. Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, triển khai thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương để có phương án trình. Đến thời điểm tháng 5 năm nay, Bộ Y tế đã làm việc với các bộ ngành, địa phương để tổng hợp thống kê số lượng vay mượn.
“Hiện Bộ đã thống kê có 7 bộ, ngành và 48 địa phương gửi tổng hợp với tổng số tiền là 1.693 tỷ đồng. Trong đó liên quan đến vay mượn thuốc, trang thiết bị y tế là 754 tỷ; 938 tỷ mua sinh phẩm xét nghiệm phòng dịch Covid-19”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, hiện Bộ Y tế đang tổng hợp và xây dựng Tờ trình trình Chính phủ về phương án xử lý, trong tháng 5, 6/2024.
“Đây là vấn đề rất quan trọng. Nhiều địa phương vì vấn đề vay mượn này mà không có nguồn lực để thanh toán, rất khó khăn khi muốn mua thuốc, trang thiết bị y tế để triển khai các nhiệm vụ thường xuyên khác”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Cũng theo ý kiến của Bộ Tư pháp, do vấn đề này hiện nay chưa được pháp luật quy định, chính vì vậy, phương án nào cũng cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Hà Hùng