Luật BHXH (sửa đổi): Hướng đến bảo vệ mọi người lao động
Luật BHXH năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và trực tiếp là ngành BHXH Việt Nam, các nội dung quy định mới của Luật ngày càng phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện… Tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 18,26 triệu người lao động tham gia BHXH, bằng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,17% so với năm 2022. Số người tham gia tăng nhanh với nhóm lao động làm công việc tự do đã mở ra cơ hội “vàng” cho hệ thống an sinh phát triển. Cụ thể, cả nước hiện có 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, bằng khoảng 10% tổng số người tham gia BHXH và bằng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi- về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, hệ thống BHXH vẫn chưa phát triển bền vững, bởi trong năm qua đã có hơn 1,1 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, tăng 23,73% so với năm 2022- cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau khi hưởng chế độ BHXH một lần, có nhiều trường hợp muốn quay lại tham gia, nhưng không còn cơ hội. Bên cạnh đó, số người hưởng BH thất nghiệp cũng tăng (năm 2023 có hơn 1,05 triệu người hưởng, tăng gần 80.000 người so với năm 2022) bởi đối tượng hưởng là người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc bị mất việc làm.
Chính vì vậy, để thu hút người tham gia BHXH mới cũng như ở lại với hệ thống an sinh xã hội, ngành BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người dân, để mỗi người thấy rõ hơn tính ưu việt của chính sách, chủ động khắc phục khó khăn, ở lại hệ thống lâu dài. Với nhóm người lao động hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa có việc làm mới, các bên đều tập trung tư vấn để người lao động chuyển tham gia BHXH tự nguyện hoặc bảo lưu thời gian đóng, không rút BHXH một lần. Các cơ quan chức năng cũng tiếp tục lắng nghe, nắm bắt những bất cập từ chính sách BHXH để hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, quy định về BHXH một lần có nhiều phương án linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo cơ chế hấp dẫn cho người lao động yên tâm tham gia BHXH lâu dài.
Theo ông Nguyễn Đức Lộc- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, những người làm chính sách rất kỳ vọng người lao động ở lại hệ thống BHXH, bởi đó là một trong những điểm tựa quan trọng cho người lao động khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi nhiều người lao động còn quen với tập quán cũ, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ việc sửa đổi chính sách để tránh ảnh hưởng đến nhiều người trong xã hội. Theo đó, để đông đảo người lao động nhận được lương hưu, cách duy nhất là “chốt” quy định chính sách ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia BHXH mới với các nguyên tắc đóng-hưởng rõ ràng, minh bạch. “Tuy vậy, để giải bài toán BHXH thì không thể chỉ mỗi ngành BHXH Việt Nam, mà cần nhìn tổng thể các mối quan hệ. Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi, trước hết phải bảo đảm được việc làm bền vững, giúp người lao động an tâm. Các cơ quan quản lý cần xem xét coi tỷ lệ thất nghiệp như là một chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị công”- ông Lộc đề xuất.
Còn dưới góc độ chủ SDLĐ, ông Tô Hoài Nam- Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) sắp trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp tháng 5/2024 sẽ khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại so với hưởng BHXH một lần. Đây cũng chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, coi “BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội”.
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi là quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, Dự thảo bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết HĐLĐ hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019). Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Liên quan đến việc mở rộng diện bao phủ tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, hiện có gần 18,26 triệu người, chiếm 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và còn hơn 60% số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia. Mặc dù Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện và đến Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 cũng tiếp tục đặt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH nhưng đến nay việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH gặp nhiều thách thức do những biến động của thị trường lao động; số người lĩnh BHXH một lần và rời khỏi hệ thống gia tăng mạnh... Do vậy, lần sửa đổi Luật BHXH này phải tập trung các quy định để mở rộng, tăng nhanh các đối tượng tham gia BHXH. “Dự thảo đưa đối tượng là hộ kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người quản lý DN, người điều hành hợp tác xã không hưởng lương tham gia BHXH bắt buộc phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng sẽ có khó khăn nhưng vì mục tiêu mở rộng độ bao phủ nên cần có kế hoạch, lộ trình, giải pháp để tổ chức thực hiện và phải kiên quyết thực hiện cho bằng được”- ông Huân khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội phân tích, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do vậy, trong Dự thảo Luật (sửa đổi), quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý và nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh; đồng thời nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ theo lũy tiến như đã thực hiện BHYT hộ gia đình. Đồng thời, hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tham gia BHXH bắt buộc (cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân. Cùng với đó, Dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường.
Bài: Vũ Thu
Đồ hoạ: Hiểu Thanh