Print

Hàng triệu người trẻ châu Á sống xa lánh cộng đồng

Thứ Ba, 28 /05/2024 10:30

Hàng triệu thanh thiếu niên và người trưởng thành ở châu Á hiện nay đang tự giam mình trong phòng và cắt đứt tương tác với các mối quan hệ xung quanh.

Kể từ khi 15 tuổi, Charlie bắt đầu thu hẹp cuộc sống của mình trên một chiếc giường tầng trong căn hộ chật chội của gia đình tại Hong Kong (Trung Quốc). Đến nay đã 4 năm, nam thanh niên vẫn giữ nguyên lối sống như vậy.

"Tôi cảm thấy chán nản, chẳng biết mình đang muốn gì nữa", cậu chia sẻ.

Theo CNN, Charlie là một trong số hàng triệu triệu hikikomori- thuật ngữ tiếng Nhật chỉ những người tách mình ra khỏi xã hội trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường là Thế hệ Z và Millennial ở châu Á hiện nay. Xu hướng cũng đang lan dần ra các nước khác, trong đó có Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale cho rằng, sự phát triển của Internet và sự suy giảm tương tác trực tiếp có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu. Những người khác cho rằng COVID-19 đã khiến nhiều người muốn sống biệt lập hơn sau khoảng thời gian dài ở nhà để tránh nhiễm virus trong thời kỳ đại dịch.

Để cải thiện tình hình, nhiều chính phủ và tổ chức ở châu Á đã tích cực giúp đỡ các hikikomori tái hòa nhập xã hội. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng vì nhiều nước đang chật vật giải các bài toán dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp, tỷ lệ sinh giảm và người trẻ không muốn kết hôn.

Charlie trở thành một hikikomori sau khi tranh cãi với giáo viên và bị các bạn cùng lớp nói xấu sau lưng. Cậu cũng cố đến trường một tuần vài lần nhưng đến năm 2019 thì tự nhốt mình trong phòng ngủ suốt nhiều tháng, không trả lời tin nhắn của bạn bè hay bất kỳ ai.

Căn hộ của gia đình Charlie chỉ rộng 30m, là nơi sống chung của 4 người gồm bà ngoại, cha mẹ và cậu. Cậu nằm chung giường với bà nhưng cả ngày chui trong chăn, thậm chí ăn ngay trên giường và chỉ ra khỏi giường khi đi vệ sinh hoặc mang bát đĩa ra bếp. Cậu ngủ cả ngày còn đêm thì thức xem điện thoại. Thoạt đầu cha mẹ bắt Charlie phải ra ngoài nhưng cuối cùng họ đành bất lực. 

Phó giáo sư Paul Wong thuộc Đại học Hongkong cho biết, Hongkong hiện có khoảng 50.000 hikikomori, chủ yếu là học sinh cấp hai và cấp ba. Ông chỉ ra một thực tế là nhiều bậc cha mẹ quá coi trọng kết quả học tập nên để cho con cái không làm "bất cứ điều gì ngoài việc học". Các em chán nản thì bị cha mẹ mắng phạt nên càng thu mình lại.

Tại Nhật Bản, nhiều hikikomori dù đã trưởng thành vẫn muốn sống tách biệt. Một số người không ra khỏi nhà sau một biến cố trong đời, mất việc hoặc gặp khó khăn về tài chính.

Toyoaki Yamakawa là một trường hợp điển hình. Khi cha mẹ bị ốm, Yamakawa chuyển từ Tokyo về quê Fukuoka để chăm sóc họ. Là con một, anh cảm thấy gánh nặng và chịu sức ép về tài chính. "Tôi gặp rất nhiều vấn đề và khó giải quyết. Tôi khoá mình trong phòng ngủ và không có năng lượng làm bất kỳ điều gì. Tôi gần như ngủ cả ngày", Yamakawa chia sẻ.

Vợ của Yamakawa vốn làm nội trợ nhưng đã kiếm một công việc để hỗ trợ gia đình trong thời gian 5 năm chồng sống hikikomori. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của vợ, Yamakawa dần phục hồi được năng lượng và trở lại cuộc sống bình thường.

Phó Giáo sư xã hội học Teppei Sekimizu tại Đại học Meiji Gakuin cho rằng xu hướng này phản ánh những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn như chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và mức lương trì trệ ở Nhật Bản. Theo một cuộc khảo mới đây, nước này có gần 1,5 triệu hikikomori thuộc các độ tuổi khác nhau, và nhiều cha mẹ dù đã ở tuổi 80 vẫn phải hỗ trợ những đứa con ở tuổi 50.

Còn tại Hàn Quốc, một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội nước này cho thấy, vào năm 2022, 2,4% số người 19-34 tuổi sống tách biệt với xã hội, tương đương khoảng 244.000 người trên cả nước. Nhằm giúp họ tái hòa nhập xã hội, vào năm 2023, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một sửa đổi quy định một số thanh niên sống ẩn dật đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm chi phí sinh hoạt lên tới 650.000 won (475 USD) mỗi tháng.  

Ngọc Tuấn