Print

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phải bảo đảm thống nhất với các luật liên quan

Thứ Ba, 28 /05/2024 17:00

Chiều 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng, các quy định về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Dự thảo Luật đã có bước hoàn thiện đáng kể. Đồng thời, ĐB nhất trí với việc bổ sung quy định tại Khoản 4, Điều 23 của Dự thảo Luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Hà Nội được thành lập DN và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành DN với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo ĐB Thi, quy định này giúp hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, ĐB đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật DN, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng chống tham nhũng...

Góp ý vào nội dung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật, ĐB Tạ Đình Thi cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý các quy định về những vấn đề cốt yếu, như: Khái niệm thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội cao; các giới hạn thử nghiệm về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng tham gia thử nghiệm; điều kiện và các nguyên tắc để được cấp phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức tham gia thực hiện thử nghiệm.

ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội)

Tuy nhiên, theo ĐB Thi, cần cân nhắc kỹ hơn phạm vi đối tượng thử nghiệm, quy định giới hạn các lĩnh vực được phép thử nghiệm và không gian thử nghiệm. Theo đó, nên quy định chỉ thử nghiệm trong Khu Công nghệ cao như Dự thảo Luật do Chính phủ trình; nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND TP.Hà Nội trong việc báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan về kết quả và quá trình thực hiện.

Ghi nhận nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong Dự thảo Luật, song ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chỉ rõ, qua rà soát vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường của Thủ đô.

Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 và Điều 37 Dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Tuấn Anh đề nghị sửa Khoản 5, Điều 34 của Dự thảo Luật theo hướng ngân sách TP.Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại Khoản 4 Điều này, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Đồng thời, sửa đổi Khoản 1 Điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Góp ý các quy định liên quan tới phát triển giáo dục, ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chính quyền Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Theo ĐB Vân, việc cho phép Thủ đô “đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao” không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội, mà coi đây là trách nhiệm mà Thủ đô phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai không chỉ cho Thủ đô, mà còn cho cả nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

"Đối với Thủ đô, đây còn là sự tiếp nối, kế thừa quy định việc “xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, đã được quy định tại Khoản 3, Điều 12 Luật Thủ đô năm 2012”- ĐB Vân cho biết.

Cũng theo ĐB Vân, Nghị định số 86/2018 của Chính phủ mới chỉ cho phép các trường đại học và các trường tư thục thực hiện việc liên kết này, chứ chưa cho phép các trường mầm non, trường phổ thông công lập liên kết giáo dục với nước ngoài. Vì vậy, việc cho phép cơ sở giáo dục đào tạo công lập của Hà Nội được liên kết giáo dục với nước ngoài giúp các em học sinh hội nhập ngay tại đất nước mình, vừa giúp các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến, vừa giúp các bậc phụ huynh giảm chi phí thay vì cho con đi du học.

Đồng thời, ĐB Vân kiến nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp như trong Dự thảo Luật đã quy định. "Để được hưởng các ưu đãi quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 43 phải là cơ sở giáo dục có nhiều cấp học chất lượng cao, chứ không phải bất cứ một cơ sở giáo dục có nhiều cấp học nào cũng được hưởng các ưu đãi đó"- ĐB Vân nhấn mạnh.

Vũ Thu