Print

Thủ đô Ấn Độ hứng nắng nóng kỷ lục

Thứ Tư, 29 /05/2024 09:43

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, ngày 28/5, đã trải qua nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ được ghi nhận cao chưa từng có khi vạch thủy ngân chạm tới 49,9 độ C.

Ở kỷ lục trước đó, New Delhi ghi nhận mức nhiệt độ cao 49,2 độ C vào hai ngày 15 và 16 tháng 5/2022.

Theo các số liệu mới nhất, một số khu vực như Mungeshpur, Najafgarh và Narela, nhiệt độ đo được lần lượt là 49,9 độ C, 49,8 độ C và 49,9 độ C hôm 28/5. Vùng Phalodi thuộc bang Rajasthan đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất so với toàn quốc tính từ ngày 1/6/2019, chạm mức 50 độ C vào hôm 25/5.

Để đối phó với đợt nắng nóng dữ dội này, Cục Khí tượng Ấn Độ (IDM) đã kích hoạt báo động Đỏ ở một loạt bang và vùng lãnh thổ như Rajasthan, Punjab, Haryana, Chandigarh, Delhi, miền Tây Uttar Pradesh và Gujarat. Theo IDM, ở những khu vực thuộc diện cảnh báo Đỏ này, người dân ở mọi lứa tuổi có nguy cơ rất cao bị sốc nhiệt và say nắng, và những người dễ bị tổn thương cần được chăm sóc đặc biệt. Còn tại những nơi có cảnh báo màu Cam, những người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hoặc làm các công việc nặng nhọc ngoài trời được khuyến cáo hết sức thận trọng.

Ở phần lớn các khu vực tại Ấn Độ phải hứng chịu nắng nóng gay gắt, đời sống và sinh kế của dân chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. IDM khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, trú tại những nơi mát mẻ, đảm bảo uống nước đầy đủ ngay cả khi không cảm thấy khát.

Trước đó, trong cùng tháng 5, nắng nóng đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trên khắp Ấn Độ. Thậm chí các vùng đồi núi như Assam, Himachal Pradesh và Arunachal Pradesh cũng ghi nhận nền nhiệt cao chưa từng có.

Nắng nóng thiêu đốt đang gây căng thẳng nghiêm trọng cho lưới điện quốc gia của Ấn Độ bởi người dân và cả các doanh nghiệp đều tăng cường sử dụng máy điều hòa và máy làm mát không khí. Nhu cầu về điện của quốc gia tỷ dân đã tăng lên 239,96 gigawatt và con số này sẽ tiếp tục tăng, có khả năng vượt mức cao nhất mọi thời đại là 243,27 GW được thiết lập tháng 9/2023.

Pakistan- quốc gia láng giềng của Ấn Độ - cũng đang chứng kiến nhiệt độ ở nhiều nơi vọt lên mức cao kỷ lục trong mùa hè này. Hôm 27/5, Cục Khí tượng Pakistan cho biết, tỉnh Sindh ở phía nam nước này đã ghi nhận mức nhiệt trên 52 độ C.

Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ khắc nghiệt trên khắp châu Á trong tháng qua đã trở nên tồi tệ hơn, có thể là do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo báo cáo hôm 28/5 của Trung tâm Khí hậu Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ (RCCC), thế giới đã trải qua trung bình thêm 26 ngày nắng nóng cực độ trong 12 tháng qua tính đến 15/5, và điều này có lẽ không xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu. Báo cáo xác định nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến khí hậu, đồng thời chỉ ra tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu trong việc làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.

Cũng theo báo cáo, khoảng 6,3 tỷ người, tương đương 80% dân số toàn cầu, đã phải đương đầu với nắng nóng khắc nghiệtg trong khoảng thời gian nói trên. Và, tổng cộng 76 đợt nắng nóng cực độ đã được ghi nhận ở 90 quốc gia khác nhau trên mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực.

Theo Hội Chữ thập Đỏ, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trong 12 tháng qua, và con số thực tế có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người.

Hoàng Dương