Print

Ninh Bình sẽ trở thành đô thị di sản, thành phố sáng tạo, có giá trị thương hiệu cao về du lịch

Thứ Tư, 29 /05/2024 10:00

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại...

Đô thị di sản, thành phố sáng tạo

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam của Đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Những năm qua, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Từ năm 2022, tỉnh đã tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, ước đạt 16.144 tỷ đồng).

Ninh Bình sẽ trở thành đô thị di sản, thành phố sáng tạo

Theo Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lựa chọn mô hình phát triển “xanh” dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển. Trong đó, 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Các hành lang phát triển gồm: Hành lang Bắc-Nam; 3 hành lang Đông-Tây, hành lang ven biển.

Quy hoạch cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể: Đến năm 2030, Ninh Bình sẽ là tỉnh khá, cực tăng trưởng của Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Vùng Đồng bằng sông Hồng. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0”, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Những “tài sản vô giá”

Phát biểu tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình (ngày 28/5/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ “1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực” để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững. Theo Thủ tướng, nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người; đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư, dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, bảo tồn, khai thác và phát huy tối đa các “tài sản vô giá” như: Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc-Bích Động…

Danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

Nhấn mạnh Quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển, Thủ tướng lưu ý những nhiệm vụ cần thực hiện như: Tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để có giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm…

Nêu bật những lợi thế của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái tự nhiên độc đáo, Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình. Theo Thủ tướng, đây chính là nền tảng vững chắc để Ninh Bình tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển và hội nhập, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Tuy nhiên, tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%). Việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cần đầu tư hơn nữa. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp…

Do đó, việc Quy hoạch tỉnh Ninh Bình lựa chọn mô hình “phát triển xanh” là hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Cũng vì thế, Ninh Bình cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch. Đặc biệt, khẩn trương xây dựng Hoa Lư thành thành phố di sản; đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục-đào tạo; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình thành con đường kết nối di sản.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng DN, nhà đầu tư phát huy tinh thần “ba cùng”, đó là: Cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển. Đồng thời, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống NLĐ.

Minh Trang