Print

Tệ nạn lừa đảo nhà cho thuê "jeonse" ở Hàn Quốc

Thứ Năm, 30 /05/2024 07:36

Cả chục năm qua, Park Hyeon-su sống trong một căn hộ siêu nhỏ không cửa sổ ở Seoul, làm việc hai ca và tiết kiệm từng xu để đặt cọc mua một ngôi nhà đẹp. Nhưng anh đã bị những kẻ lừa đảo bất động sản nẫng sạch.

Thị trường nhà cho thuê ở Hàn Quốc có một hệ thống độc đáo được gọi là "jeonse", trong đó người thuê nhà phải trả số tiền đặt cọc khổng lồ, có khi lên đến hàng trăm nghìn đôla, để được sống miễn phí nhiều năm và được hoàn tiền khi chuyển đi.

Ý tưởng là chủ nhà có thể tiếp cận nguồn tiền mặt không lãi suất để đầu cơ, còn người thuê nhà được ở miễn phí với khoản tiền đã đặt cọc. Nhưng, hệ thống này đầy rẫy gian lận và dữ liệu của cảnh sát cho thấy hơn một tỷ đô la bị mất trong các vụ lừa đảo "jeonse" mỗi năm. Từng chiếm 2/3 thị trường cho thuê nhà ở tại Hàn Quốc hồi thập niên 1990, đến nay hệ thống này không còn phổ biến, một phần do ngày càng nhiều người nhận thức rõ về mức độ rủi ro của nó.

Trao đổi với hãng tin AFP, Park Hyeon-su kể rằng anh thường làm việc từ lúc 9h sáng đến nửa đêm để tiết kiệm được 73.000 USD. Nhưng sau khi anh trả tiền đặt cọc và chuyển đến ở thì người mà anh tưởng là chủ nhà đã biến mất. Thế là Park bị đuổi đi. Kẻ giả làm người có thẩm quyền cho Park thuê tài sản đã cao chạy xa bay, và anh không có cách nào lấy lại được tiền.

Park cho biết không chỉ khoản tiền đặt cọc mà "toàn bộ thanh xuân những năm 20-30 tuổi" của anh đã bị đánh cắp. Và, trong quá trình các thủ tục tố tụng được thực hiện, anh rất khó được bồi thường.

"Giấc mơ sở hữu một ngôi nhà của tôi đã tan thành mây khói. Tôi chẳng còn muốn hẹn hò, không nghĩ tới cả chuyện lấy vợ hay sinh con"- anh Park chia sẻ.

Dữ liệu chính thức cho thấy, ít nhất 17.000 nạn nhân như Park, với 70% trong số này ở độ tuổi 20 và 30, đã bị lừa đảo "jeonse" trong những năm gần đây.  Các nhà hoạt động cho rằng chính quyền chưa hành động đủ để giúp đỡ nạn nhân hoặc trừng phạt những kẻ lừa đảo. Mức án tối đa cho tội lừa đảo ở Hàn Quốc là 15 năm tù. 

Nhiều người đã vay ngân hàng để trang trải khoản tiền đặt cọc khổng lồ, với dự định sẽ trả lại ngân hàng khi họ chuyển đi bằng số tiền được hoàn lại. Sau khi bị lừa, họ vẫn phải gánh nợ ngân hàng. Các nhà hoạt động cho biết, có 8 nạn nhân bị lừa đảo "jeonse" đã tự tử. 

Năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một Dự luật đặc biệt nhằm giúp đỡ các nạn nhân, trong đó Ủy ban Dịch vụ Tài chính cung cấp các khoản vay không lãi suất có thể hoàn trả trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, các nạn nhân của lừa đảo "jeonse" lập luận rằng họ không cần phải trả các khoản vay ngân hàng bị đánh cắp cho đến khi chính quyền lấy lại tiền từ những kẻ lừa đảo.

"Việc yêu cầu những người trẻ dành 20 năm tới để trả lại số tiền bị mất do lừa đảo cũng giống như bảo họ ngừng sống vậy", một nạn nhân tên là Ahn Sang-mi bức xúc lên tiếng khi tham gia một cuộc biểu tình mới đây ở Seoul.

Các nhà hoạt động cho biết một phương án khác được đưa ra là tìm cách "phục hồi nợ" - một quá trình tương tự phá sản và xóa một phần nợ, nhưng phương án này tác động lâu dài đến hồ sơ tín dụng của những người trẻ tuổi.

Đảng Dân chủ đối lập đã đề xuất dự luật cho phép nhà nước hoàn trả cho người thuê nhà số tiền đặt cọc bị mất do lừa đảo. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ, viện dẫn những lo ngại về chi phí. Bộ trưởng Đất đai Park Sang-woo chỉ ra rằng những người thuê nhà cũng có trách nhiệm vì đã nhanh chóng ký hợp đồng mà không xem xét kỹ.

"Nạn nhân mất tất cả, cuộc sống, ước mơ và niềm vui đều tan vỡ", Choi Jee-su 33 tuổi, cũng dính vào "jeonse" nói về tệ nạn lừa đảo này.

Ngọc Tuấn