Print

Chính phủ đề nghị Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ đề xuất thay khái niệm về giám định BHYT

Thứ Hai, 03 /06/2024 16:51

Thường trực Chính phủ đề nghị tiếp thu, giải trình hợp lý, đầy đủ về một số nội dung sửa đổi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT…

Ngày 9/5/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về các đề nghị xây dựng: Luật Phòng bệnh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Báo chí (sửa đổi). Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị xây dựng luật và ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận một số nội dung cần chú ý trong quá trình xây dựng các văn bản luật này.

Với đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thường trực Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định hiện hành, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về BHYT. Thường trực Chính phủ nhất trí thông qua 4 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Y tế cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng hơn nữa các bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước để thiết kế các quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hợp lý, đầy đủ ý kiến của các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an và của BHXH Việt Nam về: bổ sung đối tượng tham gia BHYT sao cho phù hợp với quy định của Luật BHXH và các luật liên quan khác; việc thay khái niệm về giám định BHYT trong luật hiện hành bằng khái niệm kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh...

Kết luận cũng yêu cầu Bộ Y tế cần chú ý một số vấn đề cụ thể. Đây là chính sách lớn có tác động đến xã hội, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên quá trình soạn thảo cần đánh giá thực tiễn, có sự tham gia của các bên nhằm khắc phục những tồn tại, hướng tới mục tiêu cao nhất nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế. Luật cần thể chế hóa Nghị quyết 42 của Trung ương về mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân, đa dạng các gói dịch vụ BHYT nhằm góp phần. Đồng thời, việc xây dựng Luật cần có chính sách để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, nhất là sử dụng hiệu quả Quỹ khi có kết dư. Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán BHYT thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng cần có một chương về chuyển đổi số, kết nối dữ liệu về KCB và BHYT. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, các Thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật…

Thái An