Print

Chênh lệch lương hưu ở châu Âu

Thứ Tư, 05 /06/2024 07:56

Lương hưu hiện là nguồn thu nhập chính của người châu Âu từ 65 tuổi trở lên, nhưng chưa đến một nửa số người tiêu dùng ở Liên minh châu Âu (EU) tự tin có đủ tiền để sống thoải mái khi nghỉ hưu.

Theo trang Euronews Business, ở một số nước thuộc Liên minh, mức độ tin cậy này giảm xuống còn 30%, thậm chí thấp hơn, làm dấy lên mối lo ngại về mức lương hưu hiện nay đã phù hợp hay chưa. 

Bảo vệ người già khỏi nghèo đói vốn là chức năng chính của hệ thống lương hưu. Lương hưu tuổi già là khoản thanh toán định kỳ nhằm hai mục đích chính gồm duy trì thu nhập của người thụ hưởng sau khi nghỉ hưu ở độ tuổi hợp pháp hoặc tiêu chuẩn; hoặc hỗ trợ thu nhập cho người cao tuổi, trừ trường hợp thanh toán trong thời gian hữu hạn. 

Theo cơ quan thống kê EU Eurostat, mức lương hưu ở châu Âu khác biệt đáng kể cả về danh nghĩa và sức mua tiêu chuẩn (PPS) giữa các nước. Trong năm 2021, mức lương hưu trung bình hàng tháng cho mỗi người thụ hưởng ở EU có sự chênh lệch lớn, từ mức cao 2.575 Euro (2.800 USD) ở Luxembourg tới mức thấp 226 Euro ở Bulgaria, so với mức trung bình trong khối là 1.224 Euro.

Nếu tính cả Hiệp hội thương mại tự do châu Âu và các nước ứng cử viên EU, Iceland có mức trung bình cao nhất là 2.762 Euro, trong khi Albania có mức trung bình thấp nhất là 131 Euro.

Ở bốn nước lớn nhất châu Âu, mức lương hưu bình quân đầu người cao hơn so với mức trung bình của khối. Italy có mức lương hưu cao nhất là 1.561 Euro, trong khi Pháp, Tây Ban Nha và Đức gần như ngang nhau, mỗi nước khoảng 1.450 Euro. Các nước Bắc Âu cũng có mức lương hưu cao, trong khi các quốc gia vùng Balkan thấp nhất với 7 nước tại đây đứng các vị trí cuối cùng trong danh sách.

Mức chi trả lương hưu trung bình ở Luxembourg cao gấp gần 11 lần so với Bulgaria, cho thấy sự chênh lệch lương hưu ở châu Âu lớn như thế nào. Kể cả khi không bao gồm Luxembourg, mức trung bình ở EU vẫn gấp gần 6 lần so với ở Bulgaria.

Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch như vậy có thể là do những khác biệt về giá cả tại các nước thành viên EU. 

Tính theo PPS, sự chênh lệch giữa các nước được thu hẹp đáng kể. Cụ thể, mức lương hưu trung bình dao động từ 437 Euro ở Bulgaria tới 1.681 Euro ở Luxembourg. Điều này có nghĩa là mức lương của một người nghỉ hưu ở Luxembourg gấp gần 4 lần so với ở Bulgaria. 

Theo khảo sát 2023 Eurobarometer của Cơ quan Quản lý Bảo hiểm và Lương hưu tính theo việc làm châu Âu, chỉ 42% người tiêu dùng EU cảm thấy tự tin sẽ có đủ tiền để sống thoải mái khi về hưu. Mức độ tin cậy cũng rất khác biệt giữa các nước, cao nhất là ở Luxembourg với 61%, Hà Lan 59%, Đan Mạch 58% và thấp nhất là ở Latvia với 23%, Slovenia 27% và Ba Lan 28%. 

Theo trang Euronews Business, có một mối tương quan rất lớn giữa mức độ tự tin về tài chính để sống thoải mái khi về hưu và số tiền lương hưu hàng tháng. Mối tương quan này thể hiện mức độ tin cậy cao phổ biến hơn ở các nước có mức lương hưu cao hơn và có xu hướng giảm ở những nước có mức lương hưu thấp hơn. 

Theo báo cáo của Nghị viện châu Âu, các nhóm chuyên gia và các bên liên quan đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường tính bền vững và đầy đủ của hệ thống lương hưu EU.

"Cách thiết kế hệ thống lương hưu hiện nay khiến ngày càng nhiều người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói ở tuổi già. Xu hướng này đi ngược lại với những nỗ lực của EU nhằm giảm nghèo"- báo cáo cảnh báo. 

Hoàng Dương