Print

Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thứ Tư, 05 /06/2024 15:35

Tiếp tục Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 5/6/2024, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Đầu tư cho các thiết chế văn hóa

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã tập trung hỏi về giải pháp đột phá nhằm thu hút đầu tư cho các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi; hiện tượng thương mại hóa làm mai một nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS vùng cao; giải pháp với hiện tượng lai căng, sao chép trong công trình văn hóa tại một số điểm du lịch...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên, đồng thời có chính sách và khuyến cáo gì để vừa bảo tồn, phát huy được nét đẹp vừa giúp văn hóa ĐB Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà ĐB nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Còn thực tế chợ tình đó không phải như vậy. Những ai lợi dụng nó để làm biến tướng thì cần phải xử lý. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc đó là chủ thể văn hóa biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời, cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như ĐB đề cập.

Trả lời ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) về giải pháp đột phá thu hút nguồn lực đầu tư du lịch vùng đồng bào DTTS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều ĐB phản ánh rất đúng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả? Những bất cập này và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ. Đó là cần nhận thức những bất cập thuộc về thể chế. “Ví dụ, thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán”- Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Qua đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn. Do đó, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng.

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ vận động viên

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt vấn đề đa số các vận động viên thường chung nỗi lo làm gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu bởi thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang công tác huấn luyện. Chính vì nỗi lo tương lai hậu thi đấu, nhiều vận động viên đành từ bỏ đam mê thể thao. ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đảm bảo tương lai cho vận động viên sau giải nghệ, đặc biệt là các vận động viên gặp chấn thương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thể thao nên Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã tập trung lãnh đạo công tác thể thao, sau đó Chính phủ đã có chiến lược, đề án thực hiện. Chính phủ đã ban hành 8 chính sách bao gồm 7 chính sách Trung ương và 1 chính sách ở địa phương để hỗ trợ vận động viên, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu. Các chính sách đã được triển khai và được áp dụng toàn quốc, qua đó góp phần động viên đội ngũ vận động viên đạt thành tích cao. “Tuy nhiên, đúng như ĐB chia sẻ, để giải pháp việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn”- ông Hùng thừa nhận.

Theo Bộ trưởng, trình độ đào tạo và nghề nghiệp của nhiều vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian hoặc nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với nhiều vận động viên. Về lâu dài, không phải tất cả vận động viên đều được trở về để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Vì vậy, phải nhận thức tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận, để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. “Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ phối hợp với bộ ngành để tập trung đánh giá tổng thể tác động hệ thống chính sách vừa qua, từ đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho vận động viên để tập trung, yên tâm thi đấu, sau đó được phát triển ngành nghề theo đúng sở trường của mình. Theo đó, phương án đề xuất bao gồm các chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhất là chính sách về nhà ở, đào tạo nghề sau quá trình thi đấu”- ông Hùng cho biết.

Liên quan đến những tiêu cực trong lĩnh vực thể thao như việc vận động viên tố huấn luyện viên “cắt phế” tiền thưởng của ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 sự việc cá biệt. Đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội được tổ chức tại khu Mỹ Đình và vấn đề tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ. Khi phát hiện đã kiên quyết xử lý và làm nghiêm theo quy định, với tinh thần không có ngoại lệ. “Chúng tôi cũng thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm”- ông Hùng khẳng định.

“Báo cáo thật” trước Quốc hội, tư lệnh ngành văn hóa thừa nhận “việc này chúng tôi biết hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết”. Theo ông Hùng, khi thành lập quỹ với mục đích tốt đẹp để góp tiền thăm hỏi nhau khi ốm đau, cho việc cưới hỏi, ma chay; dù theo quy định là trái phép nhưng nếu quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực. Song thực tế, vì có tình trạng lạm dụng nên đã xuất hiện tiêu cực và Bộ Văn hóa đã cho rà soát tình trạng này. Để không còn tình trạng này, Bộ đã yêu cầu bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó có từng điều khoản từ tập luyện đến công tác quản lý; tăng cường thanh kiểm tra để xử lý nghiêm (lâu nay chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo chứ ít kiểm tra về chế độ chính sách); công khai, minh bạch ngay từ đầu, thông báo các em được bao nhiêu tiền ăn, tiền thưởng để các em biết và quản lý, nghiêm cấm lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp.

V.Thu