Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân và dịch vụ y tế
Phát biểu báo cáo giải trình một số nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề chất vấn của ĐBQH sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân và dịch vụ y tế.
Về giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay mà ĐBQH và cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy nổ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc đảm bảo công tác an toàn PCCC trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm... Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng học sinh; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho trẻ em; chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ Hè.
Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không an toàn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, thức ăn đường phố, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp...
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân và dịch vụ y tế. Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc NHNN khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 trong quản lý môi trường lưu vực sông; xử lý, kiểm soát chặt nguồn thải theo nguyên tắc không có nước thải vào môi trường nước đã vượt quá hạn ngạch xả thải; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông; áp dụng lộ trình về môi trường, chuyển đổi công nghệ, di dời ra khỏi đô thị, nơi tập trung đông dân cư, gần nguồn nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Đầu tư hạ tầng thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, bổ sung nước tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan các dòng sông qua đô thị.
Chú trọng phân loại rác tại nguồn, tăng cường xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, công nghệ xử lý chất thải. Các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, có công cụ thưởng- phạt phù hợp, nghiêm minh; quy hoạch, đảm bảo quỹ đất để thu hút đầu tư các khu xử lý chất thải rắn tập trung, các khu vực trung chuyển, thu gom. “Quán triệt yêu cầu các cơ sở y tế sử dụng các phương pháp xử lý an toàn trước khi vận chuyển, thu gom; đầu tư các cơ sở xử lý tập trung có đủ năng lực, công nghệ. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế rà soát, cụ thể hơn hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế nhỏ, phòng khám; quy định rõ định mức, đơn giá, cơ chế tài chính, nhân lực”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyệt Hà