Print

Ban hành hướng dẫn quốc gia về sàng lọc và quản lý đái tháo đường thai kỳ

Thứ Năm, 06 /06/2024 18:34

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn so với thai phụ bình thường. Vì vậy, theo tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quốc gia về Sàng lọc và Quản lý đái tháo đường thai kỳ, việc theo dõi các nguy cơ, sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sớm rất quan trọng, giúp thai phụ có thể kiểm soát bệnh, phát hiện sớm, được chăm sóc để tránh biến chứng nặng.

Theo định nghĩa chuyên môn, đái tháo đường (ĐTĐ) là nhóm những rối loạn chuyển hóa không đồng nhất gồm tăng glucose huyết tương và rối loạn dung nạp glucose do thiếu insulin, giảm tác dụng của insulin hoặc cả 2. ĐTĐ týp 1 có sự phá hủy tế bào beta và thiếu insulin tuyệt đối, được chia làm hai thể do cơ chế tự miễn và không do tự miễn; ĐTĐ týp 2 đặc trưng bởi tình trạng thiếu insulin tương đối kèm đề kháng insulin ngoại biên. Còn đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối và không có bằng chứng về ĐTĐ từ trước.

ĐTĐ là một bệnh mạn tính thường gặp. Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, năm 2021, có khoảng 538 triệu người mắc ĐTĐ trên thế giới ở độ tuổi 20 đến 79 tuổi. Dự kiến, đến năm 2045, sẽ có khoảng 700 triệu người mắc ĐTĐ. Tương tự ĐTĐ trong dân số chung, tỷ lệ lưu hành của ĐTĐTK cũng tăng theo thời gian. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đang phát triển với dân số khoảng 100,3 triệu người (theo kết quả sơ bộ Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2023- Tổng cục Thống kê) và có tỷ lệ ĐTĐ týp 2 ngày càng tăng. Năm 2021, tỷ lệ ĐTĐ ở người trưởng thành là 7,1%.

Cùng với đó, ĐTĐTK cũng ngày càng tăng do tuổi sinh đẻ tăng, phụ nữ ngày càng thừa cân, béo phì và ít vận động. Tỷ lệ ĐTĐTK thay đổi tùy thuộc vào dân số nghiên cứu, tiêu chí chọn mẫu, tiêu chuẩn chẩn đoán. Tại Việt Nam, trong một số nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau, tỷ lệ này tăng nhanh từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012 và 20,9% năm 2017. Khoảng 50% phụ nữ mắc ĐTĐTK sẽ tiến triển thành ĐTĐ týp 2 trong vòng 5-10 năm sau sinh và chỉ có 31,1% được chẩn đoán. Trong số bệnh nhân được chẩn đoán, chỉ có 28,9% được điều trị.

Theo Hướng dẫn quốc gia về Sàng lọc và Quản lý đái tháo đường thai kỳ, các thai phụ có yếu tố nguy cơ sau đây dễ mắc ĐTĐTK: Thừa cân hay béo phì; Tiền sử gia đình; Tiền sử sinh con to (cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4.000gr vừa là hậu quả của ĐTĐTK, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ ở những lần mang thai sau); Tiền sử bất thường về dung nạp glucose; Glucose niệu dương tính; Tuổi mang thai (theo nhiều nghiên cứu, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ ĐTĐTK tăng cao hơn); Tiền sử sản khoa bất thường: Thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non; Chủng tộc (là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến ĐTĐTK, châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao); Hội chứng buồng trứng đa nang; Tăng huyết áp (>=140/90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp); Rối loạn lipid máu.

Đối với thai phụ, ĐTĐTK có thể làm gia tăng tỷ lệ sảy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai, về lâu dài, các thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ týp 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng trên các mạch máu nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt. Còn đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, ĐTĐ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Với giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh (thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ); giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.

Để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ có thai- đặc biệt các trường hợp có nguy cơ cao như đã sinh con từ 4.000gr, trên 35 tuổi, thừa cân, béo phì..., cần điều chỉnh lối sống (ăn tiết chế, tăng cường vận động) để phòng, chống bệnh ĐTĐTK. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh và hoạt động thể chất là biện pháp chính để phòng chống ĐTĐTK; kiểm soát sự tăng cân trong thai kỳ; hạn chế sử dụng muối; hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích; giáo dục dinh dưỡng; hoạt động thể chất để giúp phòng ngừa ĐTĐTK, giảm sự đề kháng insulin, kiểm soát glucose huyết tương và rối loạn chuyển hóa lipid máu...; nên theo dõi hoạt động của thai nhi và lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục.
Về liệu pháp dinh dưỡng cho thai phụ có nguy cơ bị đái tháo đường, lưu ý chế độ ăn Glucid chiếm khoảng 55%- 60% năng lượng khẩu phần, nên sử dụng thực phẩm có chỉ số glucose huyết tương thấp và trung bình; sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, gạo lật nảy mầm thay thế cho gạo trắng có chỉ số glucose huyết tương cao; sử dụng trên 400g rau/ngày; ăn nhiều bữa trong ngày; nên ăn nhiều loại thực phẩm (15- 20 loại/ngày); nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường); hạn chế tối đa bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy...; giảm ăn thực phẩm nhiều chất béo, giảm ăn mặn, giảm uống rượu, bia, nước ngọt, không nên dùng đường trắng... và duy trì chế độ luyện tập tối thiểu 30 phút/ngày.

Tùng Anh