Print

Nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em thông qua việc trao sinh kế

Thứ Tư, 12 /06/2024 09:21

Từ năm 2002, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chọn ngày 12/6 hằng năm là Ngày Thế giới chống lao động trẻ em, với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xoá bỏ tình trạng này.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia vào các hoạt động lao động. Trong số này, phần lớn trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trẻ em phải lao động sớm tập trung nhiều ở các vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long- những nơi có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn và cơ hội tiếp cận giáo dục còn hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động sớm như: Nghèo đói (hầu hết các gia đình có trẻ em lao động đều có thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày); một số trẻ em không thể tiếp tục đi học vì phải giúp đỡ gia đình kiếm sống (hơn 20% trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm)...

Để giảm bớt tình trạng lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền trẻ em và ngăn chặn tình trạng này. Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định nghiêm ngặt về lao động trẻ em. Cụ thể: Luật Trẻ em 2016 quy định rõ quyền của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác. Luật cũng đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Còn Bộ luật Lao động 2019 cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, trừ một số công việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ. Đối với trẻ em từ 15 đến 18 tuổi, Bộ luật này cũng có những quy định chặt chẽ về thời gian làm việc, loại hình công việc và điều kiện lao động.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em như Công ước 138 và 182 của ILO. Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai để giảm thiểu tình trạng này.

Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm đã có hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi được cấp học bổng và hỗ trợ học phí, giúp các em có cơ hội tiếp tục học tập. Ngoài ra, nhiều trường học, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Chương trình MTQG về giáo dục và đào tạo đã góp phần cải thiện điều kiện học tập cho hàng trăm ngàn học sinh.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em đánh giá, trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong giải quyết lao động trẻ em, thiết lập một khung pháp lý vững chắc để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như thực hiện một số chương trình và dự án để giảm thiểu lao động trẻ em. Đặc biệt, hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, giúp giải quyết tình trạng gia tăng lao động trẻ em. Các dự án quốc tế đã tập trung hỗ trợ sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương, giúp trẻ em tham gia lao động một cách phù hợp và an toàn theo quy định pháp luật.

Đối với trẻ em người DTTS, đặc biệt là các bé gái có nguy cơ cao bỏ học do hủ tục tảo hôn, khó khăn gia đình và bạo lực gia đình, Bộ GD-ĐT cùng Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UNESCO triển khai dự án “Chúng tôi có thể” tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng và sẽ mở rộng thêm ở Cao Bằng và Kon Tum. Sau hơn 2 năm thực hiện, hơn 16.000 học sinh DTTS đã được tiếp tục đi học và 4.500 phụ huynh đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục.

Theo các chuyên gia, hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, với đánh giá tích cực từ ILO.

Chỉ còn một năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực Châu Á. Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban ngành, cộng đồng, gia đình và chính các em. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bảo vệ trẻ em và đảm bảo tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ.

Nguyệt Hà