Nước Đức chuẩn bị cho Euro 2024: Ưu tiên hàng đầu là an ninh
Chỉ còn ít ngày nữa, Euro 2024 sẽ chính thức khởi tranh trên nước Đức. Trong cuộc họp báo mới nhất, các thành viên BTC khẳng định Đức “đang làm tất cả những gì có thể để sự kiện bóng đá hàng đầu châu Âu diễn ra thành công, an toàn”. Trong đó, ưu tiên hàng đầu cho Euro 2024 chính là an ninh và các mối đe dọa, khiến nước chủ nhà phải huy động lực lượng đáng kể để đảm bảo an toàn.
Đau đầu vì… an ninh
Nước chủ nhà Đức đang triển khai các biện pháp an ninh toàn diện, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cầu thủ, quan chức và người hâm mộ. An ninh được đặt lên "ưu tiên hàng đầu" theo tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser. Phát biểu tại cuộc họp báo vào cuối tuần, bà Faeser khẳng định Đức đang chuẩn bị cho "mọi tình huống nguy hiểm tiềm ẩn". Các mối đe dọa được nêu ra bao gồm khủng bố, hooligan (CĐV quá khích) và tấn công mạng. Đây đều là những vấn đề nhức nhối thường trực tại các sự kiện thể thao quy mô lớn. Bà Faeser nhấn mạnh: “Cảnh sát sẽ duy trì sự hiện diện và sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ ở bất cứ nơi nào có đông người di chuyển. Đây sẽ là một nỗ lực lớn của lực lượng cảnh sát các bang và cảnh sát liên bang, nhưng cũng là điều quan trọng cho giải đấu. Sự hợp tác giữa các bang và liên bang đang diễn ra rất tốt!”.
Một trong những biện pháp đáng chú ý là việc thành lập Trung tâm Cảnh sát tạm thời tại Bắc Rhine-Westphalia, bang sở hữu tới 4 trong số 10 sân vận động đăng cai Euro 2024. Điều này cho thấy sự tập trung cao độ của lực lượng chức năng nhằm duy trì trật tự an ninh tại các địa điểm diễn ra các trận đấu. Thống đốc bang Bắc Rhine-Westphalia, ông Herbert Reul, cũng lên tiếng về vấn đề an ninh. “Chúng tôi không bao giờ có thể đảm bảo an ninh 100%, nhưng chúng tôi có thể chuẩn bị tốt nhất có thể”, ông Herbert Reul thừa nhận.
Cảm giác tốt lành
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Wolfgang Maennig, cựu VĐV chèo thuyền từng giành HCV tại Olympic 1988, hiện là giáo sư kinh tế thể thao tại ĐH Hamburg, cho biết trong khi lợi ích kinh tế của các sự kiện lớn thường không đáng kể, thì "hiệu ứng cảm giác tốt lành”chính là yếu tố cốt lõi mà một sự kiện thể thao có thể đem đến cho người dân, như World Cup 2006 đã từng. “Trước World Cup, người Đức không thực sự được coi là những người đi đầu thế giới về sự thân thiện”, Giáo sư Maennig nói. “Nhưng sau năm 2006, hình ảnh của Đức trên trường quốc tế đã được cải thiện đáng kể. Tôi tin rằng người nước ngoài nhìn nhận chúng tôi hoàn toàn khác biệt, không còn là những con người thiếu nhiệt tình, hơi kỳ quặc, mà là những người cởi mở và hạnh phúc, điều này khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn với cách nhìn nhận bản thân mình”.
Jan Haut, một nhà xã hội học thể thao tại Đại học Goethe, chia sẻ: “Người dân Đức đã bớt cứng nhắc hơn một chút. Họ thoải mái và tự tin hơn khi ăn mừng chiến thắng của đội tuyển quốc gia. Điều khá mới mẻ là bản thân người Đức nhận thức rõ hơn rằng ở các quốc gia khác, hình ảnh của nước Đức không tệ như người Đức từng nghĩ. Chỉ bóng đá mới có thể làm được điều này. Mặc dù đã 18 năm trôi qua và nước Đức cùng thế giới đã thay đổi, nhưng nhiều điểm tương đồng vẫn còn”.
Mặt khác, Đức lại một lần nữa phải đối mặt với những bất ổn về kinh tế, lo ngại về cơ sở hạ tầng và thành tích thi đấu kém cỏi. Haut cho biết sự chú ý của thế giới một lần nữa sẽ đổ dồn vào nước Đức, cả tích cực và tiêu cực. “Trong trường hợp xấu nhất, có thể có một số bất ngờ- có thể mọi người nhận thức rằng mọi thứ ở Đức hiện tại không hoạt động tốt, chẳng hạn như phương tiện giao thông công cộng”, ông Haut đánh giá.
Tuy nhiên, giáo sư Maennig nhấn mạnh rằng sau những thất bại ở các kỳ World Cup và Euro gần đây, bóng đá có thể lại tạo ra hiệu ứng đoàn kết trong tâm lý người dân quốc gia này. "Điều đó thực sự khá thú vị, bởi chỉ có bóng đá mới có quyền năng đó”- Giáo sư Maennig khẳng định.
Hoàng Hương