Print

Điểm tên 4 ngành khiến 2,7 triệu người tử vong mỗi năm ở châu Âu

Thứ Tư, 12 /06/2024 13:53

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết rượu, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn và nhiên liệu hóa thạch là tác nhân chính gây ra cái chết của khoảng 2,7 triệu người ở châu Âu mỗi năm.

Trong một báo cáo có tựa đề "Các yếu tố thương mại quyết định bệnh không lây nhiễm ở khu vực châu Âu của WHO", cơ quan y tế toàn cầu này đã kêu gọi thực hiện "quy định nghiêm ngặt để hạn chế sức mạnh của các ngành này" và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng.

"Bốn ngành công nghiệp này cướp đi mạng sống của ít nhất 7.000 người trong khu vực của chúng ta mỗi ngày", ông Hans Kluge, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, chỉ ra trong một thông báo hôm 12/6.

WHO cho biết, nhìn chung, 1,15 triệu cái chết ở châu Âu mỗi năm là do hút thuốc, 426.857 là do rượu, 117.290 là do chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn, và 252.187 là do chế độ ăn nhiều muối. Những con số này thậm chí không bao gồm các trường hợp tử vong do béo phì, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, hoặc mức cholesterol cao, tất cả đều liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh.

WHO cáo buộc 4 ngành kể trên đang cản trở các chính sách công có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Tổ chức này lập luận rằng, các chiến thuật ngành bao gồm khai thác những người dễ bị tổn thương thông qua các chiến lược tiếp thị chủ đích, đánh lừa người tiêu dùng và đưa ra thông tin sai lệch về lợi ích của sản phẩm, quảng cáo trên mạng xã hội và "lật đổ khoa học" chẳng hạn như tài trợ cho những nghiên cứu… đang khuếch trương mục tiêu của họ.

"Những chiến thuật đó đe dọa lợi ích sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ qua, và ngăn cản các quốc gia đạt được mục tiêu sức khỏe của họ", WHO phản ánh.

Báo cáo cho biết thêm, nỗ lực giải quyết các bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường… đang bị cản trở bởi các chiến dịch vận động hành lang. Lý do là những chiến dịch như vậy thường sử dụng những thông tin gây nhầm lẫn cho công chúng và người tiêu dùng về sản phẩm của họ cũng như tác động đối với môi trường.

Theo WHO, gần 60% người lớn và 1/3 trẻ em ở châu Âu đang bị thừa cân hoặc béo phì. Dữ liệu gần đây nhất, từ năm 2017, cho thấy cứ 5 người thì có 1 người chết vì bệnh tim mạch và ung thư ở châu Âu, là kết quả của thói quen ăn uống không lành mạnh.

WHO nhấn mạnh, "mối quan tâm hàng đầu của tất cả các tập đoàn lớn là lợi nhuận", trong khi việc sở hữu thị phần lớn "thường chuyển thành quyền lực chính trị". Việc hợp nhất các ngành công nghiệp này vào một số ít công ty đa quốc gia "đã cho phép họ nắm giữ quyền lực đáng kể trong bối cảnh chính trị và pháp lý nơi họ hoạt động, đồng thời cản trở các quy định về lợi ích công có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ".

Thông qua một loạt các nghiên cứu điển hình, báo cáo của WHO ghi lại chặng đường mà các công ty phải làm để bảo vệ danh tiếng của mình, đổ lỗi và lợi dụng khủng hoảng để kiếm lợi nhuận.  Các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành có vẻ "có lợi cho xã hội" nhưng thực chất lại làm suy yếu các nỗ lực y tế công cộng.

WHO kêu gọi các quốc gia hãy thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các hoạt động quảng cáo, tiếp thị những sản phẩm không lành mạnh, các hoạt động độc quyền và vận động hành lang.

"Hôm nay, chúng tôi cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về các hoạt động thương mại và sản phẩm có hại, và chúng tôi nói: mọi người luôn phải được ưu tiên trước lợi nhuận", Giám đốc Kluge nói.

Ngọc Tuấn