Print

Việt Nam đặt mục tiêu quản lý, loại trừ hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ozone

Thứ Sáu, 14 /06/2024 10:27

Việt Nam đã sớm phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone; tích cực triển khai các hoạt động quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone.

Theo Quyết định 496/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia về Quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát do Chính phủ vừa ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu tổng quát là quản lý, loại trừ hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal thông qua các giải pháp tăng cường quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, thực hiện chuyển đổi công nghệ và sử dụng các chất có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0” và triển khai các giải pháp làm mát bền vững, phấn đấu đến năm 2045 giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát.

Tháp Agora- một tòa nhà dân cư với thiết kế thân thiện với môi trường ở Đài Bắc (Đài Loan)

Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2045 sẽ quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát bằng việc thực hiện tốt cam kết không sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất; sản phẩm, thiết bị có chứa hoặc sản xuất từ các chất Bromochloromethane, CTC, CFC, Halon, HBFC, Methyl chloroform, HCFC 141b và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol; không nhập khẩu và xuất khẩu các chất HCFC khác từ năm 2040. Chỉ nhập khẩu, sử dụng chất Methyl bromide cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng xuất khẩu. Giảm dần lượng tiêu thụ các chất HFC và duy trì ở mức 20% lượng tiêu thụ cơ sở từ năm 2045.

Bên cạnh đó, quản lý sản phẩm, thiết bị sử dụng các chất HCFC và HFC theo giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP); quản lý vòng đời các chất được kiểm soát; quản lý làm mát bền vững như giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan, phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, tăng diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị…

Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đề ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ làm mát tiên tiến sử dụng các chất thay thế có GWP thấp, ưu tiên các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc có GWP bằng “0”; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ thực thi, giám sát thực hiện pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cán bộ quản lý các ngành tài nguyên và môi trường, hải quan, công an, quản lý thị trường, biên phòng); Hợp tác song phương và đa phương, huy động nguồn lực; Giám sát, đánh giá… và tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức của DN, cộng đồng đối với quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, trách nhiệm thực hiện loại trừ các chất được kiểm soát, tầm quan trọng của làm mát bền vững.

Đồng thời, thực hiện các chiến dịch truyền thông thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất của DN, cộng đồng, hướng dẫn chuyển đổi sang các thiết bị, sản phẩm sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu, các hệ thống làm mát tập trung và giải pháp làm mát thụ động; tiến tới xây dựng nhãn tích hợp đánh giá hiệu quả năng lượng và phát thải khí nhà kính; phổ biến, áp dụng phương pháp và giải pháp làm mát bền vững; xây dựng và triển khai các chương trình vinh danh, các giải thưởng quốc gia nhằm tôn vinh các tòa nhà có tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cao.

Quyết định 496/QĐ-TTg cũng quy định, kinh phí thực hiện Kế hoạch quốc gia về Quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các Quỹ (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường và Quỹ Đầu tư phát triển cấp tỉnh), tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Khuyến khích huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các định chế tài chính trong nước, quốc tế, khu vực tư nhân và thông qua cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

Tùng Anh