BHXH TP.Hà Nội - 29 năm nỗ lực nêu cao tinh thần phục vụ
Trong suốt 29 năm qua, với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”, BHXH TP.Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần phát triển hệ thống an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
Mở rộng bao phủ BHXH, BHYT
Trong 29 năm hình thành và phát triển (15/6/1995-15/6/2024), BHXH TP.Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội, BHXH Việt Nam; cũng như sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã. Cùng với việc phát huy nội lực, đoàn kết phấn đấu, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, hàng năm, BHXH TP.Hà Nội đều hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tăng. Nếu như năm 1995- năm đầu tiên thành lập ngành BHXH Việt Nam), Hà Nội có trên 300.000 NLĐ (1.825 đơn vị, DN), thì đến năm 2024 đã có trên 2 triệu NLĐ (trên 115.000 đơn vị, DN) tham gia BHXH bắt buộc.
Đáng chú ý, ngày càng có nhiều sáng kiến, mô hình, cách làm hay về phát triển BHXH tự nguyện, trong đó phải kể đến mô hình truyền thông nhóm nhỏ. Theo mô hình này, cán bộ BHXH và nhân viên tổ chức dịch vụ thu sẽ gặp gỡ trực tiếp người dân để tuyên truyền, vận động, tư vấn theo nhóm nhỏ hoặc tư vấn 1-1 trực tiếp tại chợ dân sinh, nhà văn hóa của khu dân cư, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, là mô hình "Mỗi quận, huyện, thị xã chọn một xã, phường, thị trấn làm điểm về phát triển BHXH tự nguyện", trong đó lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt là những cán bộ BHXH và người có uy tín tại cộng đồng. Hay như mô hình "Tổ, hội tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT" do các hội viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tự đóng góp, tích lũy tiền thông qua những việc làm hữu ích như: Nuôi lợn tiết kiệm, thu gom phế liệu mang bán gây quỹ... để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH tự nguyện.
Ngay trong tháng 5/2024, Hà Nội đã tổ chức được 36 hội nghị đối thoại về BHXH, BHYT tại địa bàn dân cư. Tính chung 5 tháng năm 2024, toàn thành phố có hơn 100 hội nghị đối thoại được tổ chức, thu hút 5.400 người tham dự. Ngay trong và sau hội nghị đã có thêm 1.253 người đăng ký tham gia BHXH, BHYT, trong đó gồm 504 người tham gia BHXH tự nguyện và 749 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Bằng những cách làm thiết thực, đến nay, toàn thành phố đã có 84.659 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10.042 người so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 59,71% kế hoạch. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng với tốc độ nhanh, cụ thể như: Năm 1995 có 552.308 người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 13,9% dân số, thì đến tháng 5/2024 đã có trên 7,9 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 94,31% dân số.
Cùng với đó, số thu BHXH, BHYT tăng liên tục, từ 116,7 tỷ đồng (năm 1995) lên 54.211,6 tỷ đồng (năm 2022) và 61.455,2 tỷ đồng (năm 2023). Tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, số thu BHXH, BHYT của BHXH Thành phố được trên 26.000 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm phấn đấu thu được trên 70.000 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Với mục tiêu góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô theo hướng bền vững, những năm qua, BHXH TP.Hà Nội luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác giải quyết và chi trả các chế độ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Để thực hiện tốt việc này, BHXH Thành phố phối hợp với các ngân hàng và Bưu điện chi trả kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, thực hiện kịp thời việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng khi có sự thay đổi về tiền lương tối thiểu hoặc có sự bổ sung, sửa đổi về chính sách.
Năm 2023, BHXH Thành phố đã giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho 667.023 lượt người với số tiền 8.477 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 593.450 lượt người với số tiền 17.732 tỷ đồng. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay đã có 93% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trên địa bàn Hà Nội đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.
Để đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc ngày càng lớn, nhất là khi số người tham gia và thụ hưởng chế độ ngày càng nhiều, BHXH TP.Hà Nội còn không ngừng cải cách TTHC, đẩy mạng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành. Đồng thời, chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN...
Từ những kết quả trên, có thể thấy, qua 29 năm xây dựng và phát triển, BHXH TP.Hà Nội đã không ngừng phát triển về mọi mặt, vị thế và vai trò của đơn vị ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, thời gian tới, BHXH TP.Hà Nội cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; thường xuyên rà soát CSDL người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động phù hợp...
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, địa phương và các tổ chức dịch vụ thu triển khai nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, bám sát mục tiêu theo phương châm "4 rõ" (rõ người- rõ việc- rõ trách nhiệm- rõ hiệu quả), phấn đấu cả năm 2024 thu được 70.040 tỷ đồng- vượt Kế hoạch BHXH Việt Nam giao 3.000 tỷ đồng và giảm tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi xuống dưới 2,3% so với số phải thu.
Châu Anh