Cần quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn
Sáng 18/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, về quản lý sử dụng tài chính công đoàn, dự thảo Luật đã kế thừa và giữ nguyên đối tượng, mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định và nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm đảm bảo phúc lợi ổn định cho NLĐ, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ đoàn viên, NLĐ và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang)
Về công khai tài chính công đoàn, Dự thảo Luật quy định các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hàng năm tại hội nghị BCH công đoàn và bằng hình thức niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan tổ chức, đơn vị, phát hành ấn phẩm hoặc thông báo bằng văn bản tới cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan, đưa lên trang thông tin điện tử thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Việc công khai tài chính của các cấp công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng là không phù hợp, do đó ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề trên. Để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính công khai minh bạch, ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”- ĐB Mai đề xuất.
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình)
Còn ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho hay thu phí công đoàn đang là vấn đề cần cân nhắc cho việc xem xét thấu đáo, nghiên cứu thực tế đầy đủ. Nếu như trong Dự thảo, Điều 30 về quản lý tài chính công đoàn, mặc nhiên hiểu rằng tất cả số NLĐ trong DN có hoạt động, chủ DN cũng phải trích thêm 2% tiền lương để nộp cho Công đoàn Việt Nam. Phần lớn DN đồng ý trích 2% này nhưng không có nghĩa là toàn bộ 2% này đều nộp về cho công đoàn đối với DN có tổ chức công đoàn. “Thường chúng ta sẽ phấn đấu thành lập đối với công đoàn của DN thì mặc nhiên chúng ta coi 100% việc thực hiện 2% này”- ĐB Thu nói.
Tán thành với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức đóng bằng 2%, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) khẳng định, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. Còn việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 30) là nội dung quan trọng nên quy định ngay trong Dự thảo Luật như phương án 2 của Dự thảo.
Cũng theo ĐB Nga, việc quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở- nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của NLĐ thì nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí công đoàn. “Không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như dự thảo mà chỉ nên quy định đó là tỉ lệ tối thiểu và tỷ lệ tối đa. Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN”- ĐB Nga đề xuất.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng đồng tính theo phương án 2. Bởi việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, không nên quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.
Đối với tổ chức công đoàn tại các công ty, DN, ĐB Thông nhìn nhận đây là người bảo vệ quyền lợi của NLĐ tại công ty, DN đó. Do vậy, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty, DN lại do chính chủ công ty, DN (người SDLĐ) đó trả lương. “Vậy vấn đề đặt ra cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp đó có thực sự dám lên tiếng bảo vệ NLĐ khi quyền lợi của NLĐ bị xâm phạm hay không?” DDB Thông nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) nhìn nhận nguồn thu kinh phí 2% về bản chất là khoản đóng góp của chủ SDLĐ cho tổ chức và hoạt động của công đoàn, bảo đảm cho hoạt động công đoàn làm tốt được chức năng chăm lo cho NLĐ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ… Nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng thường mang lại lợi ích cho cả NLĐ và người SDLĐ, thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ. Tài chính công đoàn là độc lập, không phụ thuộc vào NSNN là nội dung quan trọng trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đã trở thành thông lệ. Qua quan sát, ở phần lớn các công đoàn cơ sở, nhiều năm qua, ban chấp hành công đoàn hoạt động công khai cho đoàn viên về quyền lợi của mình, ví dụ các chế độ thăm hỏi ốm đau, Tết, chi 8/3, 1/6, Rằm Trung thu. “Nếu giảm khoản kinh phí công đoàn này sẽ dẫn đến giảm phúc lợi và ảnh hưởng đến thu hút, tập hợp NLĐ và tổ chức công đoàn”- ĐB Minh nói.
Liên quan đến cơ chế quản lý biên chế, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó tăng quyền chủ động của Công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo ĐB, thời gian tới, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn. Đơn cử, hiện nay, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý từ 6.000 công đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên trách; hay như một số công đoàn khu công nghiệp, LĐLĐ huyện, có những đơn vị quản lý trên 130.000 đoàn viên nhưng biên chế cán bộ chuyên trách chỉ từ 7-8 người... Như vậy, quy định như vậynày sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của hoạt động Công đoàn. Mặt khác, cần quan tâm, bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, DN cho phù hợp.
V.Thu