Print

Thế giới đối mặt nguy cơ đại dịch mới

Thứ Năm, 20 /06/2024 07:26

Dịch cúm gia cầm bùng phát ở động vật có vú tại nhiều nước đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt công tác phòng chống đại dịch trong tương lai.

Trên đây là nội dung báo cáo mới được Ủy ban Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch đưa ra hôm 18/6. Báo cáo cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới gần như chưa hành động đủ để chuẩn bị cho các mối đe dọa đại dịch khiến dân số thế giới, đặc biệt là trẻ em, dễ bị tổn thương.

"Nếu ngày nay có một mối đe dọa đại dịch, chẳng hạn như nếu H5N1 bắt đầu lây lan từ người sang người thì thế giới có thể sẽ lại bị áp đảo", đồng chủ tịch của Ủy ban này, bà Helen Clark, cảnh báo.

Theo báo cáo, 4 năm sau đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách không đầu tư đầy đủ nguồn lực để ngăn chặn thảm họa tái diễn. Nhấn mạnh mối đe dọa tiềm ẩn, báo cáo dẫn chứng nghiên cứu mô hình cho thấy có tới 50% khả năng thế giới sẽ phải hứng chịu một đại dịch có quy mô tương tự như COVID-19 trong 25 năm tới.

Trên thực tế, cúm gia cầm H5N1 đang gia tăng nhanh chóng ở động vật có vú, trong đó có gia súc trong các trang trại trên khắp nước Mỹ và một số trường hợp ở người, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai.

Bà Helen Clark dự báo, nếu H5N1 bắt đầu lây lan từ người sang người, thế giới có thể một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải, và hậu quả của một đại dịch như vậy có thể còn thảm khốc hơn hơn COVID-19. Vị cựu Thủ tướng New Zealand cho rằng mọi người chưa được trang bị đầy đủ để ngăn chặn các đợt bùng phát trước khi dịch lan rộng hơn.

Trước viễn cảnh như vậy, báo cáo kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế nhanh chóng nhất trí xây dựng một thỏa thuận phòng chống đại dịch mới vào tháng 12, đồng thời tăng cường tài trợ cho các nỗ lực thúc đẩy sản xuất vắc xin, củng cố quyền lực của WHO và tăng cường các nỗ lực quốc gia để chống lại.

Trước đó, ngày 15/6, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Robert Redfield cũng dự báo dịch cúm gia cầm sớm hay muộn sẽ diễn ra. "Tôi thật sự cho rằng nhiều khả năng dịch cúm gia cầm sẽ xuất hiện trong tương lai, câu hỏi ở đây không phải nếu có hay không, mà là khi nào sẽ xảy ra", ông Redfield chia sẻ quan điểm sau thông tin nhiều đàn bò sữa ở một số tiểu bang Mỹ ghi nhận trường hợp nhiễm cúm, và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ca tử vong đầu tiên ở người do cúm gia cầm tại Mexico.

Theo quan chức này, tỷ lệ tử vong khi mắc cúm gia cầm là đáng kể nếu lây sang người so với đại dịch COVID-19, có thể ở khoảng 25 đến 30%. NewsNation, mạng lưới truyền hình của công ty Nexstar, ghi nhận tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19 hiện là 0,6%.

Tính đến cuối tháng 5, CDC Mỹ phát hiện trường hợp thứ ba ở người nhiễm cúm gia cầm kể từ tháng 3. Trong cả 3 ca bệnh, không trường hợp nào có liên quan đến nhau. Các triệu chứng bao gồm ho nhưng không bị sốt, đau mắt đỏ.

Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy cúm gia cầm lây từ người sang người. Tuy nhiên, thí nghiệm do nhóm của cựu giám đốc CDC thực hiện đã phát hiện 5 axít amino mà cúm gia cầm cần phải thay đổi nếu muốn liên kết được với thụ thể người trước khi có thể lây từ người này sang người khác như trường hợp COVID-19. Một khi cúm gia cầm đủ sức liên kết với thụ thể người, đó là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, theo ông Redfield. 

Đến nay, CDC Mỹ phát hiện hơn 40 đàn gia súc xuất hiện ca cúm gia cầm trên toàn quốc. Theo Cơ quan Kiểm tra Sức khoẻ Động vật và Thực vật của Bộ Nông nghiệp nước này, số lượng các loài động vật có vú bị cúm gia cầm không ngừng gia tăng kể từ năm 2019. Ông Redfield cho biết, trong bối cảnh cúm gia cầm lây sang hơn 20 loài động vật có vú ở Mỹ, làm tăng nguy cơ lây truyền sang người vì chúng ngày càng thích nghi và biến đổi.

Ngọc Tuấn