Print

Các thuốc có Iod thông dụng hiện nay

Chủ nhật, 23 /06/2024 10:34

Iod là một nguyên tố vi lượng thiết yếu cần thiết cho cơ thể chúng ta. Đầu thế kỷ 19, người ta phân lập được Iod từ rong biển và thấy được vai trò của nó đối với bệnh bướu cổ. Trong y tế, nhiều loại thuốc có Iod được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa chứng thiếu Iod, trong đó phổ biến nhất là dùng để sát khuẩn. Có khá nhiều loại thuốc bổ sung Iod cho cơ thể bằng đường uống hoặc tiêm. Các chất sát khuẩn có thành phần Iod được sử dụng trên các vết thương ướt hoặc để khử trùng da trước khi phẫu thuật. Ngoài ra, nó cũng có trong một số thuốc điều trị tim mạch.

Nhóm thuốc điều trị tim mạch là dẫn xuất có 37% Iod như Amiodarone hiện nay là một thuốc chống rối loạn nhịp tim hay được dùng. Dạng bào chế có cả viên nén uống với nhiều hàm lượng khác nhau như 100mg, 200mg, 400mg và ống tiêm hàm lượng 150mg/3ml. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, nên người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định, tránh ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Một số trường hợp tránh dùng Amiodarone nếu có tiền sử quá mẫn với Iod.

Kali Iodid thường được sử dụng dưới dạng dung dịch uống hoặc viên nén cho bệnh nhân bị thiếu hụt Iod, hoặc cường giáp trước khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, hoặc để điều trị cơn nhiễm độc giáp. Nó cũng được sử dụng cho người bị nhiễm xạ, trước và sau khi uống hoặc hít các chất đồng vị phóng xạ Iod, hoặc trong trường hợp cấp cứu phóng xạ.

Dung dịch Lugol hay còn được gọi là nước Iod hoặc dung dịch Iod mạnh, là một dung dịch có chứa Kali Iodide cùng Iod tan trong nước. Đây là một loại thuốc sát trùng dùng trong sản phụ khoa.
Povidone Iodine là phức hợp của Iod với Povidone, chứa 9-12% Iod. Thuốc có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bào, kén và bào tử được dùng để sát khuẩn vết thương, sát khuẩn da trước khi phẫu thuật, tiêm thuốc… Ngoài ra, nó còn được dùng để lau rửa các dụng cụ y tế trước khi tiệt khuẩn. Điều trị hỗ trợ bệnh ngoài da do sơ nhiễm hay bội nhiễm, nấm da, hăm da, hăm kẽ ngón tay, ngón chân… Hiện nay, có dạng dung dịch súc họng có tác dụng rất tốt điều trị các nhiễm khuẩn hầu họng.

Iohexol là chất cản quang có chứa Iod, không ion hóa, được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc đường tiêm, nhằm làm hiện rõ cấu trúc của cơ thể trên phim chụp X-quang. Thuốc Iohexol được chỉ định sử dụng để chụp X-quang ống sống như vùng thắt lưng, ngực, cổ và toàn cột ống sống ở cả người lớn và trẻ em. Đây là chất cản quang sử dụng phổ biến nhất hiện nay để chụp X-quang tim mạch và nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong chụp cắt lớp điện toán não, cắt lớp điện toán cơ thể, nhằm đánh giá và phát hiện những tổn thương ở gan, tụy, thận, trung thất, khoang bụng và khoang sau màng bụng... Các BV hiện nay hay dùng phổ biến trong nhóm thuốc hỗ trợ chẩn đoán là Omnipaque có thành phần hoạt chất chính là Iohexol hàm lượng 300mg/ml hoặc 350mg/ml, đóng chai 50ml hoặc 100ml, hộp 10 chai.

Iopromide với nhiều loại hàm lượng khác nhau. Đây là một tác nhân cản quang Iod hóa, nhằm giúp các hệ thống máy móc có thể ghi lại một cách chân thực hình ảnh của các bộ phận trong cơ thể trên phim chụp X-quang hay CT... Dựa vào hình ảnh đó, bác sĩ và những người làm chuyên môn có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe cũng như các bất thường xảy ra tại vùng cơ thể được chỉ định chụp, hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh và đưa ra phương án điều trị bệnh phù hợp.

Hiện nay, hay dùng thuốc Ultravist với nhiều loại hàm lượng khác nhau như Ultravist 150, Ultravist 240, Ultravist 300 và Ultravist 370. Thuốc Ultravist dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ, nhưng không dùng được cho phụ nữ có thai.

Thuốc Xenetix có Iodine (dưới dạng Iobitridol) được dùng để tiêm tĩnh mạch chụp niệu đạo, chụp X-quang mật độ cắt lớp hộp sọ và toàn bộ cơ thể, chụp mạch máu, tim mạch, chụp X-quang tĩnh mạch; chụp X-quang mật độ cắt lớp toàn bộ cơ thể, tiêm trong động mạch để chụp động mạch có ghi số. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm thuốc chẩn đoán có các dẫn xuất chứa Iod như Amidotrizoate, Meglumine Iodroxate, Acid iopanoic cũng được dùng làm thuốc cản quang.

Các thuốc cản quang có Iod có thể gây ra những ADR nguy hiểm, bao gồm cả nguy cơ dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí gây tử vong. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng và phải theo dõi bệnh nhân sau tiêm thuốc cản quang có Iod. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc có Iod để dùng ngoài như bôi lên da bao gồm kích ứng và biến sắc. Khi uống hoặc tác dụng phụ của thuốc tiêm có Iod bao gồm phản ứng dị ứng, bướu cổ và rối loạn chức năng tuyến giáp. Sử dụng trong khi mang thai được khuyến cáo ở những khu vực thiếu Iod là phổ biến, nếu không có chỉ định thì không nên dùng. Hiện nay, tại các vùng miền núi được khuyến cáo sử dụng muối ăn có bổ sung Iod để phòng bệnh bướu cổ.

ThS.Lê Quốc Thịnh