Print

Để tài chính không là “rào cản” với các gia đình vô sinh hiếm muộn

Chủ nhật, 23 /06/2024 15:06

Hiện nay tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có chiều hướng tăng lên, và có xu hướng trẻ hoá. Dù kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển, nhưng khó khăn về kinh tế vẫn là một trong những rào cản để họ chạm vào ước mơ có tiếng trẻ con trong gia đình…

Về cùng một mái nhà đã được 12 năm, gia đình chị B Nướch Thị Tron (1988) và anh Phan Đình Thắng (1990) (quê Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng có bấy nhiêu thời gian gian nan trong hành trình mong con.

Chị Tron là người dân tộc Cơ-Tu, anh Thắng là người dân tộc Kinh. Vượt qua những khác biệt về truyền thống văn hóa, tiến tới hôn nhân từ năm 2012, hai vợ chồng sinh sống bằng nguồn thu nhập từ công việc đồng áng và làm thuê. Những ngày nắng ráo, anh Thắng xin đi thu hoạch cây keo thuê cho chủ vườn với số tiền công 150.000 đồng/ngày. Những ngày mưa, hai vợ chồng gần như không có thu nhập mà chỉ trông vào 3 sào ruộng của gia đình, chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ sống qua ngày. Sinh sống tại xã miền núi khó khăn này, hai vợ chồng chưa có điều kiện được tiếp cận các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng như điều kiện kinh tế cũng là một trở ngại khiến giấc mơ con yêu ngày càng xa dần với hai vợ chồng.

Năm 2014, sau khi dành dụm được số tiền ít ỏi, hai vợ chồng quyết định ra Hà Nội thăm khám sức khỏe sinh sản và được bác sĩ cho thuốc về điều trị, chờ có thai tự nhiên. Dù không có tiến triển nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên anh chị cũng chưa thể thăm khám thêm lần nào. Năm 2024, quyết tâm ra Hà Nội thăm khám tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, hai vợ chồng mắn gặp đúng dịp Tuần Lễ Vàng 2024, và được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký xét duyệt miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Cơ hội được bế trên tay con yêu của hai vợ chồng đã đến thật gần khi trở thành 1 trong 15 gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ miễn phí toàn bộ chi phí thực hiện IVF tại BV trong năm 2024. Những giọt nước mắt nghẹn ngào đã rơi, những niềm hi vọng mới lại được thắp sáng, sau hơn 12 năm chờ đợi…

Cũng giống như gia đình chị Tron anh Thắng, hành trình tìm con của gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (1997) và anh Nguyễn Văn Châm (1993), quê ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng gặp những trở ngại về kinh tế, chưa có đủ điều kiện hiện thực hóa giấc mơ con yêu suốt 5 năm

Gia đình anh Châm thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, với 4 thế hệ sống trong căn nhà sàn mái lá đơn sơ. Bà nội tuổi đã cao, bố anh Châm mất sớm, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo từ năm 2018, vợ chồng anh Châm cùng gia đình anh trai nuôi thêm 2 người em họ con nhà chú ruột khi hai em không còn nơi nương tựa. Gánh nặng kinh tế đè nặng, vợ chồng anh Châm rời quê hương xuống Bắc Ninh làm công nhân để có thu nhập gửi về nhà hỗ trợ gia đình.

Mặc dù đã hiếm muộn 5 năm nhưng chưa một lần hai vợ chồng đi thăm khám sức khỏe sinh sản, họ dành dụm kinh tế cho vợ chồng anh trai anh Châm cũng hiếm muộn được có điều kiện đi khám và can thiệp hỗ trợ sinh sản trước.

Năm 2023, đi khám tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng người anh được phát hiện hiếm muộn do mang gen bệnh lý Tan máu bẩm sinh- Thalassemia. Với sự hỗ trợ của cả gia đình, họ đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sàng lọc phôi, và hạnh phúc đón được một cô công chúa nhỏ hiện đã 7 tháng tuổi… Đây cũng là động lực để vợ chồng chị Phương, anh Châm quyết tâm theo đuổi hành trình tìm con của mình. Do đồng lương công nhân ít ỏi, không có tiền tích lũy, nên vợ chồng chị Phương anh Châm đã chủ động tìm hiểu thông tin về chương trình Tuần Lễ Vàng 2024 của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tháng 5/2024, chị Phương anh Châm xuống viện bắt đầu thăm khám và làm hồ sơ xét duyệt chương trình miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF. Sau khi nhận hồ sơ, thẩm định và đến trực tiếp địa phương để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, BV đã quyết định trao gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF cho vợ chồng anh chị…

ThS.BS.Lê Thị Thu Hiền- Giám đốc chuyên môn BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Chương trình Tuần Lễ Vàng của BV hàng năm đều có các gói hỗ trợ miễn phí hoàn toàn 100% chi phí IVF cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là hàng ngàn trường hợp thăm khám miễn phí… Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 50 gia đình được nhận hỗ trợ IVF miễn phí với 60 em bé chào đời khỏe mạnh, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là động lực để chúng tôi duy trì chương trình và tiếp tục đưa ra những hỗ trợ khác trong những năm tới…”.

Từ năm 2015, mỗi năm BV đã nhận và xét duyệt miễn phí hàng trăm hồ sơ đăng ký xét duyệt miễn phí được gửi đến từ khắp mọi miền tổ quốc, mang theo những khao khát cháy bỏng về một gia đình trọn vẹn. “Lễ công bố và trao quyết định 15 ca Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí” diễn ra ngày 23/6 là sự kiện đặc biệt đánh dấu hành trình 15 năm đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, và 10 năm hỗ trợ cộng đồng hiếm muộn thông qua chương trình thường niên Tuần Lễ Vàng. Chương trình là cam kết của BV nhằm mang đến những cơ hội tiếp cận điều trị tốt nhất, thắp sáng hy vọng cho các cặp vợ chồng đang khao khát được làm cha mẹ.

Theo BS Hiền, trong quá trình thăm khám, BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như: người chồng vô tinh – không có tinh trùng trong tinh dịch, người vợ mắc các bệnh lý hệ sinh sản nữ giới, trường hợp vợ chồng mang gen bệnh lý di truyền sinh ra những em bé không khỏe mạnh hay những trường hợp lưu sảy thai liên tiếp… Với những trường hợp này, việc can thiệp hỗ trợ sinh sản IVF kết hợp với các kỹ thuật y học hiện đại là điều cần thiết để tăng cơ hội điều trị và sinh ra những em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, chi phí điều trị cho những trường hợp này sẽ tốn kém hơn, tạo thêm áp lực cho các cặp vợ chồng trên hành trình tìm con. Do đó, BV đã mở rộng thêm các gói hỗ trợ một phần chi phí cho những trường hợp cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, phức tạp (vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE; nội soi thăm dò buồng tử cung…), mong muốn san sẻ phần nào áp lực tài chính, truyền động lực cho các gia đình hiếm muộn…

Bên cạnh đó, hiện nay số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền (Tan máu bẩm sinh - Thalassemia), máu khó đông (Hemophilia), teo cơ tủy, loạn dưỡng cơ Duchenne… ở nước ta không hề nhỏ. Việc ứng dụng kĩ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi trong hỗ trợ sinh sản là cần thiết để loại bỏ các phôi bất thường, sàng lọc bệnh lý đơn gen trước khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ. Những hỗ trợ chi phí cho việc sàng lọc và nuôi cấy phôi rất có ý nghĩa để giúp các gia đình có thể sinh con khoẻ mạnh nếu không may mắc bệnh lý di truyền; đồng thời giúp tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi, giúp các gia đình chạm tay gần hơn đến ước mơ làm cha, làm mẹ…

Thái An