Print

Nắng nóng dữ dội hoành hành khắp các châu lục

Thứ Hai, 24 /06/2024 06:52

Các đợt nắng nóng nguy hiểm liên tiếp bao trùm nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới, làm dấy lên quan ngại về khả năng mùa hè năm nay sẽ ghi nhận nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ cao.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, các quốc gia Địa Trung Hải vừa phải hứng chịu thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria ở phía Bắc châu Phi.

Tại Serbia, các chuyên gia khí tượng dự báo quốc gia Đông Nam Âu này sẽ ghi nhận nhiệt độ khoảng 40 độ C trong tuần, và nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo đỏ, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. Trong khi đó, giới chức y tế cảnh báo thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và khuyến cáo không nên ra ngoài trước chiều muộn.

Từ trước khi Hè đến, ở châu Âu đã xảy ra một số trường hợp tử vong do nắng nóng. Nhiệt độ cao bất thường kéo dài khoảng 1 tuần qua đã khiến 3 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng ở Hy Lạp. Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng khí hậu và bảo vệ dân sự Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết, các nhà chức trách đã xác minh các dấu hiệu cho thấy đám cháy rừng đang xảy ra gần Athens là hậu quả của việc đốt phá trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. "Gần như cứ mỗi 10 phút lại có một đám cháy mới bùng phát", báo Independent dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Hy Lạp. 

Tại châu Á những tuần qua, nắng nóng tấn công nhiều khu vực ở Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 110 người trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến 18/6.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), ngày 23/6, thông báo các khu vực trên cả nước ghi nhận trung bình 2,4 ngày nắng nóng gay gắt trong 20 ngày đầu tháng này, cao gấp 4 lần so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2020. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2018 với 1,5 ngày.

KMA định nghĩa ngày nắng nóng gay gắt là ngày có nhiệt độ ban ngày trên 33 độ C. Theo cơ quan này, Hàn Quốc sẽ bước vào thời tiết mùa Hè thực sự vào tháng 7 và tháng 8, với các đợt sóng nhiệt dữ dội xuất hiện khắp đất nước.

Tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết quốc gia đã một lần nữa cảnh báo dân chúng chuẩn bị đối mặt với nhiệt độ nguy hiểm. Hiện các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước này đang chìm trong nắng nóng gay gắt, trong khi giới chức thành phố New York đã mở các địa điểm nghỉ ngơi tránh nóng có thiết bị làm mát phục vụ người dân.

Theo báo The Hill, nắng nóng khắc nghiệt là thảm họa gây chết người hàng đầu trong các thảm họa khí hậu. Mùa Hè năm ngoái, Mỹ đã lập hàng loạt kỷ lục về nắng nóng, với hơn 2.300 người ở nước này thiệt mạng được xác định nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ quá cao.

Khi nhiệt độ trên toàn thế giới tiếp tục tăng, giới hạn về khả năng chịu đựng sức nóng của cơ thể con người đang bị thử thách. Tuần trước, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong chuyến hành hương đến thánh địa Mecca ở Ảrập Xêút giữa thời tiết nóng gay gắt lên tới hơn 50 độ C.

Chuyên gia Friederike Otto thuộc nhóm WWA (World Weather Attribution), một tổ chức quốc tế tập hợp các nhà khoa học khí hậu, cho biết các đợt nóng gần đây nguy hiểm hơn khi ban đêm trở nên nóng hơn. Nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) này nói biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ ban đêm tăng 1,6 độ C, cùng với đó là khả năng nhiệt độ cao bất thường vào thời gian này cũng tăng gấp 200 lần.

Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, "xô đổ" kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023. Mặc dù vậy, tổ chức này nhận định, sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina trong năm nay sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái Đất.

Ngọc Tuấn