Print

Croatia: Cải thiện chỉ số nghèo nhờ hình thức học bán trú và đào tạo nghề

Thứ Ba, 25 /06/2024 13:23

Thông qua việc ưu tiên đẩy mạnh hình thức học bán trú và đào tạo nghề, Croatia cơ bản quản lý được chỉ số nghèo ổn định; đặc biệt, là ở một số nhóm nhân khẩu học có nguy cơ nghèo đói hơn những nhóm khác, bao gồm người thất nghiệp và người có trình độ học vấn hạn chế.

Học bán trú và đào tạo nghề có thể nói là một trong những giải pháp vững chắc để giúp đối tượng yếm thế trong xã hội Croatia đương đầu với nghèo đói hay thu nhập bấp bênh. Việc tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ giáo dục nói chung, hỗ trợ HSSV và giáo viên nói riêng, đem lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng.

Qua giáo dục, người được hỗ trợ sẽ được cải thiện cơ hội việc làm, đồng thời, giúp thị trường lao động có nhiều việc làm mới, nguồn cung nhân lực nhờ vậy dồi dào hơn. Từ đó, trao quyền cho cá nhân tham gia nhiều hơn vào các quyết định chính trị- kinh tế của đất nước; tăng thu nhập; tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự gắn kết trong các lĩnh vực xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những năm gần đây, Croatia giữ được chỉ số nghèo tương đối ổn định mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, một phần nhờ mạnh dạn áp dụng đổi mới giáo dục trong đào tạo nghề, cùng hình thức học tập (học bán trú).

Vào năm 2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Croatia Zdravko Marić và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Croatia Jehan Arulpragasam đã cùng phê duyệt Thỏa thuận Vay dành cho Croatia: Dự án Giáo dục Hướng tới Bền vững, Công bằng và Hiệu quả (SEE Education). Dự án này nhằm mục đích tăng cường cơ sở hạ tầng trường học và cải thiện môi trường học tập cho học sinh Croatia. Cụ thể, thông qua Tổ chức Whole Day School, Dự án hỗ trợ cải cách phương pháp học- điều này được cho là cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Theo đó, giáo viên được yêu cầu phải “tăng giờ giảng dạy” và “tăng đào tạo nghiệp vụ”.

Bên cạnh đó, Whole Day School thiết lập thời khóa biểu học sinh phù hợp với khung thời gian làm việc của phụ huynh, hình thức học bán trú được áp dụng phổ biến hơn. Nhờ vậy, phụ huynh có con đang đi học yên tâm hơn trong công tác và có thể trở lại thị trường lao động sớm hơn dự định, đặc biệt là nữ giới, vì con cái họ được học tập và bảo đảm an toàn ở trường học trong khi họ đi làm.

Với đào tạo nghề, Croatia nỗ lực thực hiện chủ trương “giáo dục nghề nghiệp phải phù hợp với thị trường lao động”. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), “dạy nghề” là lựa chọn hàng đầu của 67% giáo viên ở Croatia. Nhiều giáo viên trong số này (ít nhất 91%) cho rằng, “đây là công việc rất ý nghĩa vì có cơ hội tác động đến tương lai của thanh thiếu niên và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực/thị trường lao động”.

Tùng Anh (Theo OECD)