Print

Thể thức Euro có lỗ hổng: Bóng đen “nỗi ô nhục Gijon” ám ảnh

Thứ Tư, 26 /06/2024 20:48

Trong lượt trận cuối của bảng A diễn ra tối 23/6, Hungary giành chiến thắng 1-0 trước Scotland. Qua đó, họ xếp thứ 3 sau 3 lượt trận với 3 điểm. Với kết quả này, Hungary sẽ không biết bản thân sẽ đi tiếp hay bị loại với thể thức hiện hành của Euro 2024. Trong khi đó, các đối thủ ở bảng E,F biết rõ họ cần làm gì để được vào vòng 16 đội. Đây là một trong những ví dụ đơn giản để thể hiện sự thiệt thòi của các đội phải đá vòng bảng sớm ở giải đấu.

Sự công bằng của thể thao phụ thuộc vào việc các đội được đặt vào một bộ quy tắc giống nhau. Nó bao gồm cả tương đồng về tiếp nhận thông tin. Ví dụ, lượt đấu cuối cùng luôn diễn ra cùng thời điểm nhằm đảm bảo không có đội nào biết trước kết quả của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, những nguyên tắc này không được đảm bảo ở Euro các kỳ gần đây với 24 đội tham gia. Theo thể thức hiện tại, sau vòng bảng, 16 đại diện sẽ được vào vòng trong, gồm hai đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 trong 6 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.

 

Năm 2016, Bồ Đào Nha hòa Áo và Iceland ở hai lượt đầu. Vì thi đấu cuối, họ biết chắc họ chỉ cần thêm một kết quả tương tự trước Hungary để chen chân vào vòng 16 đội bằng suất xếp thứ 3 thành tích tốt. Sau đó, đội bóng của Ronaldo có tỷ số 3-3 trước một Hungary chắc suất đi tiếp. Năm đó, Bồ Đào Nha giành chức vô địch. Gary Neville, cựu tuyển thủ Anh, bình luận trên ITV, cho rằng: “Thể thức này mang lại lợi thế không công bằng cho các đội thi đấu sau. Họ có thể nhìn vào kết quả của các bảng khác và đưa ra chiến thuật phù hợp. Điều này khiến cho các đội thi đấu sớm chịu thiệt thòi lớn. Tôi không thích thể thức này. Nó khiến cho giải đấu trở nên thiếu công bằng và tạo ra nhiều bất ngờ không mong muốn. Các đội thi đấu tốt ở vòng bảng có thể bị loại chỉ vì họ thi đấu sớm hơn”.

Dữ liệu trong lịch sử chứng minh việc được thi đấu sau giúp tăng tỉ lệ đi tiếp đáng kể. Ngoài hai kỳ Euro gần nhất, 3 giải World Cup 1986-1994 cũng dùng mô hình 24 đội, lấy 16 vào vòng trong. Trong cả 5 lần được áp dụng, đội đứng thứ 3 của bảng F luôn đi tiếp. “Thể thức nói trên làm tăng nguy cơ các đội thông đồng, tìm kiếm kết quả có lợi”, Alex Krumer, Giáo sư Kinh tế Thể thao tại Đại học Molde giải thích. “Nếu trận đấu cuối diễn ra giữa hai đội cùng có 4 điểm sau hai lượt trận, họ dễ dàng hưởng lợi bằng cách thương lượng một trận hòa. Lịch sử thể thao trong quá khứ đã từng chứng kiến những cú bắt tay ngoài sân cỏ như vậy, khiến môn thể thao này bị ảnh hưởng xấu về danh tiếng.

Ngoài ra, thể thức 24 đội của Euro cũng khiến vòng loại trực tiếp thiếu công bằng. Trong khi 4 đội nhất bảng được gặp các đội hạng 3, hai đội xếp đầu thiếu may mắn khi bốc thăm sẽ phải chơi với đối thủ xếp thứ hai ở bảng khác”. Ông Krumer cho rằng UEFA và FIFA nên bắt đầu nghiên cứu những thể thức khác. “Để giải quyết vấn đề công bằng, Euro có thể mở rộng lên 32 đội. Như vậy, việc chia bảng, cặp đấu và lấy thành tích dễ dàng hơn thể thức hiện tại. Luật 16 đội trong quá khứ của giải cũng không gặp những vấn đề này. Việc UEFA mở rộng Champions League và dùng biến thể của thể thức Thụy Sĩ cho giải từ năm sau cũng nên được tham khảo. Phương pháp chia nhóm này cũng công bằng và giảm các tiêu cực dàn xếp kết quả, tránh những trận cầu không còn ý nghĩa quyết định đi tiếp/bị loại”.

Tuy nhiên, Luật sư thể thao Dr. Stefan Szymanski, khẳng định “”giải pháp này cũng tồn tại nhiều vấn đề, khó áp dụng ở Euro hay World Cup. Việc thi đấu với nhiều đối thủ từ các nhóm yêu cầu việc 24- 48 đội tuyển phải di chuyển theo chế độ sân nhà - sân khách. Do vậy, nó chỉ phù hợp với các giải kéo dài như Champions League. Trong khi đó, việc chia cặp theo kết quả buộc các đội phải thi đấu tại cùng địa điểm. Nó dễ dàng được áp dụng cho cờ vua, eSports. Tuy nhiên ở những sự kiện lớn như Euro, World Cup, thường tổ chức ở nhiều thành, phố quốc gia, thể thức này không khả thi”.

Hoàng Hương