Print

Tỷ lệ sinh ở các nước giàu giữ mức thấp kỷ lục

Thứ Năm, 27 /06/2024 08:06

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tỷ lệ sinh giảm mạnh sẽ thay đổi bộ mặt xã hội và ảnh hưởng đến các triển vọng tăng trưởng.

Tỷ lệ sinh ở các nền kinh tế giàu có trên thế giới đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1960, xuống một mức thấp kỷ lục. Đó là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu mà OECD công bố tuần trước, trong đó các chuyên gia kêu gọi các nước cần chuẩn bị cho một "tương lai tỷ lệ sinh thấp".

Tạp chí Financial Times dẫn nghiên cứu cho biết, số con bình quân trên mỗi phụ nữ tại 38 quốc gia công nghiệp phát triển nhất đã giảm từ 3,3 năm 1960 xuống còn 1,5 vào năm 2022. Tỷ lệ sinh hiện nay thấp hơn nhiều so với "mức thay thế " 2,1 con trên một phụ nữ (mức đủ để duy trì dân số ổn định mà không cần nhập cư) ở tất cả các quốc gia thành viên của nhóm ngoại trừ Israel. 

"Sự suy giảm này sẽ thay đổi bộ mặt của xã hội, cộng đồng và gia đình, và có thể có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng", OCED cảnh báo.

Tăng trưởng dân số chậm lại là một rào cản đối với mở rộng kinh tế. Báo cáo về già hóa dân số năm 2024 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu cho thấy, trên toàn Liên minh châu Âu, mức tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung sẽ sớm không đủ bù đắp cho mức giảm của dân số trong độ tuổi lao động, khiến tình trạng thiếu lao động thêm trầm trọng. Cùng với việc tuổi thọ tăng lên, tỷ lệ sinh thấp gây áp lực mạnh lên tài chính công vì ngày càng có ít người đóng góp nguồn thuế cần thiết để trang trải chi phí ngày càng tăng của thành phần dân số già. Tình trạng thiếu học sinh cũng là nguyên nhân khiến trường học đóng cửa ngày càng nhiều ở khắp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Willem Adema- đồng tác giả báo cáo và nhà kinh tế cấp cao thuộc bộ phận chính sách xã hội của OECD khuyến nghị các quốc gia có thể hỗ trợ tỷ lệ sinh bằng cách thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ công việc và các hoạt động nuôi dạy con một cách công bằng hơn. Nghiên cứu xác định có một mối liên hệ tích cực giữa tỷ lệ có việc làm của phụ nữ và tỷ lệ sinh cao hơn, trong khi chi phí nhà ở là rào cản ngày càng tăng đối với quyết định sinh con. 

Nhưng ngay cả những chính sách thân thiện với gia đình cũng khó có thể khiến cho tỷ lệ sinh đạt đến mức thay thế, theo ông Adema. Chuyên gia này cho rằng một "tương lai tỷ lệ sinh thấp" đòi hỏi các nước phải tập trung vào chính sách nhập cư cùng "các biện pháp có thể giúp mọi người khỏe mạnh và làm việc lâu hơn cũng như cải thiện năng suất nói chung".

Pháp và Ireland hiện có tỷ lệ sinh cao nhất ở châu Âu. Theo dữ liệu mới nhất, Hungary đã nâng tỷ lệ sinh của nước này lên mức trung bình của OECD trong thập niên qua, với chi tiêu cho phúc lợi gia đình chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ sinh thấp hơn được ghi nhận ở Nam Âu và Nhật Bản, ở mức khoảng 1,2 con trên một phụ nữ, trong khi Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất vào khoảng 0,7. 

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn giảm ở các quốc gia có chính sách hỗ trợ gia đình rộng rãi, chẳng hạn như Phần Lan, Pháp và Na Uy, "là một bất ngờ lớn", theo Wolfgang Lutz- Giám đốc sáng lập Trung tâm Nhân khẩu học và Vốn nhân lực toàn cầu Wittgenstein ở Vienna, Áo.

OECD cho biết, "sự chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ hai", một xu hướng đánh dấu sự thay đổi trong các quan điểm hướng tới tự do cá nhân lớn hơn cũng như các mục tiêu cuộc sống và sắp xếp cuộc sống thay thế, đã giúp giải thích xu hướng suy giảm trong việc hình thành gia đình. Tỷ lệ phụ nữ sinh năm 1975 ở Italy, Tây Ban Nha và Nhật Bản không có con tăng hơn gấp đôi so với phụ nữ sinh năm 1955. Trong số những người sinh năm 1975, có tới 20-24% phụ nữ ở Áo, Đức, Italy và Tây Ban Nha không sinh con, và con số này đang tăng lên. 

Tính trung bình, vào năm 2020, các bà mẹ ở khối OECD sinh con đầu lòng ở độ tuổi gần 30, tăng so với độ tuổi trung bình là 26,5 hồi năm 2000. Con số này tăng lên hơn 30 ở Italy, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Ngoài ra, việc trì hoãn có con cũng làm tăng khả năng không sinh con nữa.

Ngọc Tuấn