Print

Kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp

Thứ Sáu, 28 /06/2024 16:52

Ngày 28/6, UBND TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.Hà Nội tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06; đặc biệt là địa phương tiên phong trong thực hiện Đề án 06 đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân (CCCD), được cập nhật trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử; các nhóm dữ liệu hội, đoàn thể; an sinh xã hội đang được TP.Hà Nội triển khai và tiếp tục mở rộng để xây dựng hệ thống CSDL chung toàn thành phố; cập nhật với CSDL quốc gia về dân cư để từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả.

Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tham mưu, báo cáo trình HĐND Thành phố xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID; ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31/12/2024. Ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: Điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động- với con số ước giảm hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có khoảng 1.000 hồ sơ Lý lịch tư pháp nộp qua VNeID…

Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số”- thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả KCB trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...).

Ngoài ra, trong 21 ngày (từ 10/5 đến 31/5), số người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt 93,29%; tăng gấp đôi so với tỷ lệ trước đó (khoảng 45% và giữ bền vững qua các năm)... Các trường hợp hưởng trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp BHXH nhận chế độ qua tài khoản nhanh chóng, thuận tiện, không còn mất thời gian đến các điểm giao dịch hoặc trụ sở UBND cấp xã để được nhận chế độ. Qua đó, giảm thời gian đi lại và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhóm này (khoảng 51 tỷ đồng/năm)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và TP.Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người”. Đáng chú ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân, DN dựa trên công nghệ số.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Đề án 06 được Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực; kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp DVC trực tuyến tới người dân, DN...

Biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Hà Nội trong triển khai Đề án 06, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà thành phố cần khắc phục, nhất là các bài học kinh nghiệm rút ra được từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô đến năm 2025, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả Đề án 06, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề và vô cùng quan trọng. “Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng một đề án tương tự như Đề án mà Bộ Công an đã làm để kết nối với Đề án 06 Trung ương”- Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng phòng họp thông minh của TP.Hà Nội

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải là địa phương tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. “Thành phố phải bám sát vào những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là: Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”- Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố chú trọng 5 mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn thời gian tới, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ; kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, DN; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, thành phố phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, đơn giản hóa các TTHC, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN; tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Hà Nội thông qua Cổng DVC quốc gia. Đồng thời, tập trung đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng DVC trực tuyến cung cấp cho người dân.

“Hà Nội phấn đấu tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%; cấp Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân đạt 100%. Cùng với đó, 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân”- Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh làm giàu thông tin, cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên nền tảng VNeID. Theo đó, Bộ Công an tích cực xây dựng và cung cấp các tiện ích mới, thiết yếu trên nền tảng VNeID phục vụ người dân, DN; cấp tài khoản định danh cấp độ 2 cho 100% dân số Hà Nội và tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các tiện ích trên nền tảng VNeID; đẩy mạnh làm giàu thông tin, cho phép người dân chủ động cập nhật dữ liệu cá nhân và được xác thực trên nền tảng VNeID.

Đồng thời, phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% đối tượng được thụ hưởng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử nội địa, xuyên biên giới cung cấp hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển CSDL dùng chung của thành phố, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng phù hợp các công cụ chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo...; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ Hà Nội nói riêng và UBND các địa phương nói chung trong triển khai Đề án 06; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Nhân dịp này, UBND TP.Hà Nội đã công bố vận hành các nền tảng, ứng dụng thực hiện Đề án 06 của thành phố gồm: Nền tảng Công dân số (iHanoi); nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử TP.Hà Nội (EHR- Electric Health Record), Sổ sức khỏe điện tử (PHR- Personal Health Record), nền tảng Phòng họp không giấy tờ (eCabinet).

Hà Thủy