Cả nước chung tay vì mục tiêu BHYT toàn dân
Ngày 1/7/2009, Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành, đây là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước về phát triển BHYT toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Tạp chí BHXH lược ghi bài phát biểu của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (1/7/2009-1/7/2024).
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 1/7 là Ngày BHYT Việt Nam. Chính sách BHYT là một trong hai trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ nhằm hướng tới chăm sóc tốt nhất sức khỏe Nhân dân.
Sau hơn 15 năm tổ chức triển khai Luật BHYT; Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, đường lối, quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHYT. Các văn bản của Đảng bao gồm: Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Các văn bản của Quốc hội, Chính phủ bao gồm: Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/12/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;...
Lễ Mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (1/7/2009-1/7/2024).
Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế để ban hành các văn bản quy định, các công cụ, quy trình kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị… để tăng thêm nguồn lực KCB và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách; đánh giá tác động về tình hình thực hiện chính sách.
Thứ hai, công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; người dân, doanh nghiệp và cơ sở KCB ngày càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của chính sách pháp luật BHYT. Đến nay, hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHYT và xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, góp phần tăng trưởng bền vững độ bao phủ BHYT. Việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về BHYT được các cấp, các ngành quan tâm. Các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban với sự tham gia của các sở, ban, ngành trên địa bàn.
Thứ ba, độ bao phủ tăng nhanh và phát triển bền vững, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74.87% thì đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT). Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác phát triển đối tượng do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng diện bao phủ BHYT vẫn tăng hàng năm. Hầu hết tất cả các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được bao phủ BHYT; được NSNN, ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn lực khác để đóng, hỗ trợ đóng BHYT.
Thứ tư, hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai có hiệu quả, chuyên sâu, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT (2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã tham gia KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT; trong đó: Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở KCB BHYT.
Trong giai đoạn 2018-2023, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng gần 75% trong tổng số lượt KCB BHYT; số chi KCB BHYT tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi KCB BHYT. Y tế cơ sở không chỉ là “tuyến dưới” mà trở thành “trung tâm” và giữ vai trò là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng gần gấp đôi so với năm 2009) của trên 39 triệu người sử dụng thẻ BHYT.
Thứ năm, quỹ BHYT được bảo toàn và tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn, tối ưu hoá trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường. Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi thì từ năm 2009 đến nay cơ bản đã cân đối và có kết dư dự phòng. Năm 2023 số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT là khoảng 123 nghìn tỷ đồng gấp 8 lần so với năm 2009. Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính rất quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân.
Cùng với đó, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khoẻ và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp.
Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đã tăng mức chi trả BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%, người cận nghèo từ 80% lên 95%, nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB. Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người, nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1.3 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó,. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Quốc Trình (19 tuổi, ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm Pemphigus á u, sau hành trình 7 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng, đã trở về với cuộc sống bình thường.
Đặc biệt, quy định về thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.
Thứ sáu, công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi và đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT. CSDL quốc gia về Bảo hiểm do Cơ quan BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng đã được tích hợp, kết nối liên thông với CSDL quốc gia về dân cư và một số Bộ, ngành (đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp). Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của Ngành và cải cách TTHC.
Việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám, chữa bệnh, đồng thời người dân cũng không cần phải lo lắng việc bảo quản thẻ BHYT, quên thẻ BHYT; tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh được đảm bảo; tiết kiệm thời gian đón tiếp, hướng dẫn của Cơ sở KCB; đồng thời quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, chống trục lợi quỹ. Đến nay 100% cơ sở KCB BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.
ùng với đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với cơ sở mã số BHXH, phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ sở y tế cũng như trong quản lý chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH; liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe,...
Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7): Bộ TTHC được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) chỉ còn 25 thủ tục; trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 giúp người dân giao dịch với cơ quan BHXH nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Có được những kết quả nêu trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của Ngành Y tế. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngành BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT nhằm đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ở bất cứ đâu, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất và thuận tiện nhất. Ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; áp dụng thông tuyến BHYT giữa các cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu; ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
(*) Tiêu đề do BBT đặt