Print

Chẩn đoán, điều trị Đái tháo đường típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên

Thứ Ba, 02 /07/2024 11:16

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những vấn đề y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên là ĐTĐ típ 1, chiếm 90% tổng số bệnh nhi ĐTĐ.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2022, trên thế giới có 8,75 triệu người đang chung sống với ĐTĐ típ 1, trong đó 1/5 số người sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp.

Bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hóa phức tạp, được đặc trưng bởi tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về bài tiết insulin, hoạt động của insulin hoặc cả hai. Bài tiết insulin không đủ và/hoặc giảm phản ứng của mô với insulin dẫn đến thiếu hoạt động của insulin trên các mô đích, gây nên rối loạn chuyển hóa của cacbohydrat, protide, lipid. ĐTĐ típ 1, được đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào β, thường do quá trình tự miễn, dẫn đến mất khả năng sản xuất insulin nội sinh.

Về phân bố nhóm tuổi, 1,52 triệu người (17,4%) dưới 20 tuổi, 5,56 triệu người (63,5%) ở độ tuổi 20-59 và 1,67 triệu người (19,1%) ở độ tuổi từ 60 trở lên đang chung sống với bệnh. Theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ Thế giới, tỷ lệ mắc ĐTĐ cao nhất ở Phần Lan chiếm tới 52,2/100.000 người, đáng chú ý 04 trong 10 quốc gia có tỷ mắc cao nhất có tên các quốc gia không thuộc châu Âu (Kuwait, Quatar, Ả Rập Saudi, Algerie…); trong khi đó, tỷ lệ mắc ở Trung Quốc và Nhật Bản dao động từ 1,9 đến 2,2/100.000 người/năm. Tính riêng năm 2022, trên toàn cầu có tới 530.000 ca mắc ĐTĐ típ 1 mới ở mọi lứa tuổi, trong đó có 201.000 người mắc ở độ tuổi dưới 20.

Ở Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của ĐTĐ típ 1 ở trẻ em. Dữ liệu từ các BV chuyên khoa Nhi cho thấy, cả nước có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán ĐTĐ típ 1 (Do phá huỷ tế bào β, dẫn đến thiếu hụt insulin hoàn toàn; do miễn dịch (đặc trưng bởi sự xuất hiện của một hoặc nhiều các kháng thể tự miễn); vô căn). Tại BV Nhi Trung ương, trong 33 năm, có 943 trẻ được chẩn đoán ĐTĐ típ 1; tính đến nay, số trẻ mắc dưới 18 tuổi vẫn đang được điều trị và quản lý là 586 trẻ. Số trẻ mắc ĐTĐ típ 1 có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây (Tại BV Nhi Trung ương, từ năm 2017 đến 2023, mỗi năm có từ 60 đến 95 trẻ mới được chẩn đoán ĐTĐ típ 1).

Để tăng cường chuẩn hóa và chất lượng trong KCB, dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật và các khuyến cáo quốc tế, Bộ Y tế triển khai xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên; trong đó, tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị ĐTĐ típ 1. Đồng thời, hướng dẫn về Chế độ dinh dưỡng và Chế độ vận động, tập luyện trong ĐTĐ típ 1 ở những đối tượng này.

Về Chế độ dinh dưỡng, bao gồm tư vấn dinh dưỡng cá thể hóa, giáo dục về dinh dưỡng, thúc đẩy thay đổi hành vi ăn uống lành mạnh, xây dựng quan hệ hỗ trợ tin cậy với gia đình và tạo ra mục tiêu chung. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp cải thiện kết quả lâm sàng và chất lượng sống của trẻ. Dựa vào nguyên tắc dinh dưỡng chung phải đảm bảo cân bằng năng lượng; duy trì cân nặng lý tưởng; cân đối trong mức nạp năng lượng, cacbohydrat là nguồn cung cấp tối thiểu 45% nhu cầu năng lượng, tỷ lệ này có thể cao horn (60%) trong hoàn cảnh nguồn thực phẩm ngoài cacbohydrat hạn chế, có thể giảm cacbohydrat (40%) và tăng protein (25%) đối với trẻ có kèm theo thừa cân hoặc béo phì. Lưu ý, trẻ mắc ĐTĐ nên hạn chế lượng muối hàng ngày.

Về Chế độ vận động và tập luyện, thể dục thường xuyên giúp cải thiện kiểm soát glucose huyết, kiểm soát cân nặng, giảm biến chứng và nâng cao chất lượng sống. Trẻ cần tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày, với các hoạt động hiếu khí cường độ trung bình (đi bộ nhanh, đạp xe...), cường độ cao (chạy bộ, nhảy dây...) và các bài tập sức bền - kháng lực (3 buổi mỗi tuần) theo tư vấn của nhân viên y tế. Trẻ và gia đình cần được hướng dẫn về nguy cơ rối loạn glucose huyết liên quan đến tập luyện, cách phòng tránh, điều chỉnh insulin và bổ sung bữa phụ.

Về Theo dõi glucose trong ĐTĐ típ 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên, hiện nay có những phương pháp theo dõi glucose huyết như CGM (continuous glucose monitoring- theo dõi glucose huyết liên tục), SMBG (Self-monitoring of blood glucose- tự theo dõi glucose mao mạch), và HbA1c. Khi duy trì được đích glucose huyết tương qua theo dõi CGM, HbA1c và/hoặc SMBG sẽ giảm được các nguy cơ, biến ch ứng cấp và mãn tính của ĐTĐ, và giảm thiểu các hậu quả của tăng/hạ glucose huyết đối với sự phát triển của não, cải thiện khả năng nhận thức, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, các mục tiêu này không cần quá nghiêm ngặt vì có thể gây hại cho sức khoẻ tổng thể của người bệnh hoặc người chăm sóc họ. Các yếu tố cần xem xét khi đặt mục tiêu ít nghiêm ngặt hơn bao gồm (nhưng không giới hạn): Công nghệ phân phối insulin tiên tiến (bơm insulin tự động), vật tư cần thiết để thường xuyên kiểm tra mức glucose mao mạch, hoặc CGM cần thiết đạt được mục tiêu một cách an toàn; các vấn đề về sức khỏe tâm thần tiềm ẩn tr ở nên trầm trọng hơn khi nỗ lực để đạt được mức glucose huyết mục tiêu.

Tùng Anh