UNICEF: Gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi từng chịu bạo hành gia đình
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), phản ánh dữ liệu từ 100 quốc gia được thu thập từ năm 2010 đến năm 2023, gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi từng chịu bạo hành gia đình, bao gồm cả hình thức “tổn thương thể xác” (đánh đập) và “tổn thương tâm lý” (quát mắng).
Cụ thể, UNICEF thông tin, dữ liệu từ 100 quốc gia được thu thập từ năm 2010 đến năm 2023 cho thấy, gần 400 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới từng chịu bạo hành từ gia đình, bao gồm cả hình thức gây “tổn thương thể xác” (đánh đập) và gây “tổn thương tâm lý” (quát mắng).
Gây “Tổn thương tâm lý” được hiểu là hành động quát mắng trẻ em hoặc gọi trẻ em bằng những từ nặng nề, không chuẩn mực như ngu ngốc, lười biếng, vô dụng…; còn gây “tổn thương thể xác” bao gồm lắc, đánh, tát trẻ em hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm gây đau đớn hoặc khó chịu về thể xác mà không gây thương tích cho trẻ em. Trong 2 hình thức này, số trẻ em chịu “tổn thương thể xác” (đánh đập) là 330 triệu.
Bên cạnh đó, mặc dù rất nhiều quốc gia có quy định cấm gây “tổn thương thể xác” trẻ em nhưng vẫn có gần 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới chưa được pháp luật bảo vệ. Cứ 4 phụ huynh thì có 1 người cho rằng, gây “tổn thương thể xác” chỉ là một hình phạt cần thiết để giáo dục con cái họ một cách đúng đắn.
Ngoài ra, dữ liệu từ 85 quốc gia cho thấy, hiện cứ 2 trẻ em 4 tuổi thì có 1 trẻ em không có người chăm sóc tại nhà; cứ 8 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ em không có bất kỳ món đồ chơi nào; khoảng 40% trẻ em từ 2 đến 4 tuổi không nhận được đầy đủ sự chăm sóc và tương tác với người thân tại nhà; cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ em không được tham gia hoạt động năng khiếu để "thúc đẩy sự phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc như đọc, kể chuyện, ca hát, vẽ…".
Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: "Khi trẻ em phải chịu bạo hành gia đình, dù bất cứ hình thức nào, cũng có thể làm suy yếu lòng tự trọng và sự phát triển của chúng. Việc nuôi dưỡng và nuôi dạy con cái một cách khoa học, vui tươi sẽ giúp trẻ em cảm thấy an toàn, ham học hỏi, xây dựng các kỹ năng và điều chỉnh thế giới xung quanh chúng. Vì vậy, người trưởng thành chúng ta cần đoàn kết, chung tay và cam kết chấm dứt bạo hành trẻ em; đồng thời, thúc đẩy việc chăm sóc trẻ em một cách tích cực, vui vẻ”.
Tùng Anh (Theo UNICEF)