Print

Mỹ đầu tư phát triển vắc xin ngừa cúm gia cầm H5N1

Thứ Năm, 04 /07/2024 07:47

Chính phủ Mỹ vừa trao 176 triệu USD cho hãng dược phẩm Moderna để thúc đẩy quá trình phát triển vắc xin ngừa cúm gia cầm.

Trong tuyên bố ngày 2/7, tập đoàn Moderna cho biết khoản tiền từ Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến của Mỹ sẽ được sử dụng nhằm hoàn thiện giai đoạn phát triển và thử nghiệm cuối cùng của vắc xin dựa trên công nghệ mRNA để phòng cúm gia cầm H5N1. Thỏa thuận này cũng bao gồm các lựa chọn bổ sung để chuẩn bị và đẩy nhanh phản ứng trước các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

Quyết định đầu tư nói trên được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát dịch cúm khiến hơn 130 đàn bò ở 12 bang của Mỹ nhiễm virus H5N1 cũng như việc 3 công nhân làm việc trong ngành sữa đã nhiễm cúm gia cầm kể từ tháng 3. Các nhà chức trách cảnh báo, sự lây lan cúm ở bò sữa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở người. Hiện nguy cơ đối với cộng đồng do cúm gia cầm vẫn còn thấp, nhưng các quan chức liên bang nhận định nguy cơ này cao hơn đối với công nhân làm việc trong các trang trại bò sữa. 

Theo giới chuyên gia, việc tiếp xúc với virus trong hoạt động chăn nuôi gia cầm và lấy sữa có thể làm tăng nguy cơ virus đột biến và có khả năng lây lan dễ dàng giữa người với người, gây ra đại dịch.

Demet Daskalakis- Giám đốc Trung tâm Miễn dịch và Bệnh hô hấp quốc gia thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết, gần 700 cá nhân tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc động vật nghi nhiễm bệnh đã được theo dõi các triệu chứng cúm; 51 người có triệu chứng giống cúm đã được xét nghiệm. 3 công nhân tại trang trại bò sữa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm đều đã bình phục. CDC hiện đang hỗ trợ kỹ thuật cho bang Michigan trong việc xét nghiệm huyết thanh cho công nhân có dấu hiệu nhiễm cúm từ trước đó và sẽ đảm bảo việc thử nghiệm cũng được tiến hành ở các bang khác.

Năm 2023, Moderna đã bắt đầu nghiên cứu tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine cúm gia cầm, có tên mRNA-1018, ở những người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên. Nghiên cứu bao gồm cả chủng H5 và chủng H7. Hãng cho biết kết quả của nghiên cứu này dự kiến sẽ có trong năm nay và sẽ được sử dụng để lập kế hoạch phát triển giai đoạn cuối.

Vắc xin của hãng Moderna sử dụng công nghệ mRNA hoặc RNA thông tin, công nghệ có trong mũi tiêm phòng dịch COVID-19. Việc sản xuất vắc xin cúm thông thường bằng công nghệ tế bào hoặc trứng có thể mất khoảng 4-6 tháng.

"Công nghệ vắc xin mRNA mang lại những lợi thế về hiệu quả, tốc độ phát triển và sản xuất, khả năng mở rộng và độ tin cậy trong việc giải quyết các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, như đã được chứng minh trong đại dịch COVID-19", Giám đốc Điều hành (CEO) của Moderna, ông Stephane Bancel nói.

Theo một báo cáo được Ủy ban Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch đưa ra hôm 18/6, bốn năm sau đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách không đầu tư đầy đủ nguồn lực để ngăn chặn thảm họa tái diễn khiến dân số thế giới, đặc biệt là trẻ em, dễ bị tổn thương. Nhấn mạnh mối đe dọa tiềm ẩn, báo cáo dẫn chứng nghiên cứu mô hình cho thấy có 50% khả năng thế giới sẽ phải hứng chịu một đại dịch có quy mô tương tự như COVID-19 trong 25 năm tới. Báo cáo kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế cần nhanh chóng nhất trí xây dựng một thỏa thuận phòng chống đại dịch mới vào tháng 12, đồng thời tăng cường tài trợ cho các nỗ lực thúc đẩy sản xuất vắc xin, củng cố quyền lực của WHO và tăng cường các nỗ lực quốc gia để chống lại một viễn cảnh như vậy.

Ngọc Tuấn