Chính sách BHYT: Tiền đề đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân
Trong 15 năm qua, chúng ta đã đồng lòng và nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển hệ thống BHYT. Báo cáo tổng kết của BHXH Việt Nam đã cho thấy các kết quả đáng khích lệ và các con số ấn tượng trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Về đảm bảo quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT, hằng năm quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho hàng trăm triệu lượt KCB với nguồn kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng/năm. Người tham gia BHYT có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ KCB BHYT tại gần 3.000 cơ sở y tế và gần 10.000 Trạm y tế xã. Không ít trường hợp người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Đồng thời, chúng ta chứng kiến sự tăng cường về phạm vi và chất lượng của dịch vụ y tế, với các chính sách thúc đẩy sự tiếp cận của người dân đến các dịch vụ y tế cần thiết. Bên cạnh đó là việc chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và nhân lực y tế cũng như áp dụng công nghệ mới và phương pháp tiên tiến để cải thiện y tế và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Những kết quả trên đã khẳng định quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn; chính sách BHYT đã thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân..
Thực tế cho thấy, sự nỗ lực của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và viên chức của cơ quan BHXH các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH Việt Nam với các ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW đã có nhiều kết quả tích cực. Với sự tham mưu của cơ quan BHXH và các đơn vị liên quan, các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành kip thời các văn bản chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT của địa phương đã được đưa vào Nghị quyết của các tỉnh, thành phố.
Công tác thông tin truyền thông về chính sách BHYT ngày càng được đẩy mạnh. BHXH các tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức các Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo, biên tập các tin, bài về BHYT đăng trên “Tờ tin nội bộ” và “Thông tin công tác Tuyên giáo” của Ban Tuyên giáo các tỉnh; 63/63 BHXH các tỉnh đã ký Chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với các sở, ban, ngành, đoàn thể; tổ chức các hội nghị đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình. Thông qua công tác tuyên giáo, truyền thông, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đơn vị và người dân đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong thực hiện chính sách BHYT, tính tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt.
Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo công tác đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý, đảm bảo cân đối thu- chi quỹ BHYT; kết hợp với việc chống lạm dụng và trục lợi BHYT để xây dựng tính bền vững của Quỹ. Đặc biệt việc xây dựng và vận hành thành công Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc từ tháng 7/2016 đến nay đã trở thành công cụ đắc lực trong công tác quản lý quỹ BHYT, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam cũng được đánh giá cao, cụ thể như: đẩy mạnh giao dịch điện tử, DVC trực tuyến; triển khai ứng dụng VssID- BHXH số cung cấp các DVC, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; triển khai Căn cước công dân, VssID BHXH số, ứng dụng định danh điện tử VNeID khi đi KCB đã giúp đơn giản hóa thủ tục và thuận tiện cho người bệnh BHYT.
Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, chủ động và tích cực với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước... trong việc cung cấp các thông tin, số liệu thống kê, phân tích, đánh giá về tình hình thực hiện chế độ, chính sách, những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Điều này đã phục vụ thiết thực, hiệu quả cho quá trình tổng kết thi hành, đánh giá tác động chính sách làm cơ sở để xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, đề nghị Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, để chính sách BHYT đi vào chiều sâu, thực sự là trụ cột an sinh xã hội vững chắc. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các cấp triển khai, quán triệt để mỗi người dân, DN, hộ gia đình nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT, thấy rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT, từ đó hình thành ý thức tự nguyện, tự giác tham gia BHYT.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định, chính sách về BHYT tại các cơ quan, đơn vị, DN; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vị phạm. Đảm bảo mô hình BHYT công bằng, bền vững và phản ánh nhu cầu của cộng đồng.
Cơ quan BHXH các cấp cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH, Sở Y tế các tỉnh trong việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về thực hiện chính sách BHYT; tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo thực hiện để phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ bao phủ 95% dân số; kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất với các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC, phát huy kết quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong BHYT. Quản lý hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm dụng, lãng phí quỹ KCB BHYT, đảm bảo sử dụng hiệu quả, cân đối thu chi. Xây dựng hệ thống phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh, đồng thời cải thiện khả năng đáp ứng với các tình huống khẩn cấp y tế. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách BHYT.
Những kết quả trên là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu giúp Ban Bí thư xem xét, tiếp tục ban hành văn bản mới về thực hiện chính sách BHYT trong tình hình mới.
Lương Minh (lược ghi)
Đồ hoạ: Thanh An